📞

Nông nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế: Nắm cơ hội, phá thách thức

22:36 | 18/04/2014
Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp nói riêng đã đón nhận được những cơ hội lớn và quá trình hội nhập đã đem lại một số hiệu quả tích cực cho ngành nông nghiệp.

Việc gia nhập WTO tạo ra nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá của Việt Nam nhất là nông lâm thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản năm 2012 đạt 27,5 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với mức 10,6 tỷ USD vào năm 2006. Nhiều mặt hàng đã chiếm vị thế quan trọng trên thị trường thế giới và đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Năm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp là gạo, cà phê, tiêu, điều và chè với giá trị xuất khẩu lớn không ngừng tăng cả về giá trị và tốc độ, đặc biệt là giai đoạn sau khi gia nhập WTO.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu của gạo, tiêu và chè lần lượt đạt 19,8%/năm, 23,9%/năm và 11,0%/năm trong giai đoạn 2007-2012 so với 15,4%/năm, 15,4%/năm và 7,2%/năm trong giai đoạn 2001-2006. Năm 2012, các mặt hàng là thủy sản, đồ gỗ, gạo, cao su, cà phê, hạt điều, sắn lát đều đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ngành nông nghiệp luôn duy trì được thặng dư thương mại, ngược với xu hướng thâm hụt chung cả nước.

Chấp nhận cạnh tranh

Nông nghiệp Việt Nam, mặc dù quy mô sản xuất nhỏ, phân tán nhưng trong bối cảnh hầu hết nông dân đều tham gia vào sản xuất hàng hóa nên việc mở rộng thương mại quốc tế đem lại hiệu quả lan tỏa sâu rộng trong việc tạo việc làm và thu nhập của đông đảo người lao động nông thôn. Nhờ đạt được tốc độ tăng trưởng khá ổn định cùng với các chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước và nông thôn đều giảm mặc dù có sự điều chỉnh chuẩn nghèo tăng gần gấp đôi kể từ năm 2010. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo chi tiêu giảm từ 28,8% năm 2002 xuống còn 16,5% năm 2010.

Thực hiện nguyên tắc tự do hóa thương mại, Việt Nam chấp nhận mở cửa thị trường nhập khẩu các nông sản hàng hóa mà mình không có thế mạnh nhờ đó vừa cải thiện đời sống, tăng phúc lợi cho người tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với hàng hóa có chất lượng và giá bán tốt hơn, đồng thời phát triển mối quan hệ đa phương công bằng và hiệu quả.

Chấp nhận cạnh tranh, mặc dù phải chịu nhiều rủi ro và các yếu tố bất định từ thương mại quốc tế nhưng người sản xuất Việt Nam đã từng bước làm quen, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, không ỷ lại vào trợ cấp và hàng rào bảo vệ thương mại của nhà nước. Chính sách thương mại nông sản Việt Nam cũng tỏ ra đã đem lại những tác động tích cực để thúc đẩy quá trình thích ứng với toàn cầu hóa của sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hội nhập tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mặc dù thu hút FDI vào nông nghiệp còn hạn chế, nhưng đến 31/12/2011 số dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là 495, với tổng giá trị vốn đăng ký là 3,26 tỷ USD, lần lượt chiếm 3,7% tổng số dự án và 1,6% tổng vốn đầu tư FDI. Nhiều tập đoàn lớn đã tham gia đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Gần đây, trên 15 tập đoàn lớn (bao gồm Unilever, Nestle, METRO Cash & Carry Vietnam, PepsiCo Vietnam, Cargill Inc…) đã tham gia vào mô hình liên kết công tư trong sản xuất nông nghiệp với mục đích nâng cao hiệu quả, năng suất và đảm bảo sự phát triển bền vững. Cùng với sự du nhập của đầu tư nước ngoài là sự phát triển của các công nghệ mới. Những công nghệ này góp phần rất lớn vào tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản.

Ngoài lợi ích rõ ràng trên thì quá trình hội nhập kinh tế còn mang lại cơ hội lớn cho việc cải thiện thể chế, chính sách, bộ máy Nhà nước hiệu quả hơn. Cùng với đó, doanh nghiệp trong nước cũng phải thay đổi một cách mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội của hội nhập và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cần chủ trương đúng đắn

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, nông nghiệp, nông thôn đồng thời phải đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi phải có những chủ trương chính sách đúng đắn để tận dụng cơ hội, tối đa hóa lợi ích của hội nhập và giảm thiểu những tác động bất lợi từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực đồng nghĩa với việc thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu một số nông sản, thực phẩm, đặc biệt là thịt chế biến và bánh kẹo, thịt bò, thịt lợn, sữa và sản phẩm sữa, thức ăn, rượu vang và rượu mạnh. Từ năm 2011, Việt Nam đã cam kết sẽ tiếp tục giảm thuế một số sản phẩm nông nghiệp gồm sữa và bánh kẹo và cho phép doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài được quyền xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa như doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam kể từ khi gia nhập kể cả mặt hàng gạo (1/1/2011). Như vậy, hàng hóa thị trường nội địa sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu, đồng thời nông lâm thủy sản xuất khẩu không được hưởng trợ cấp xuất khẩu như trước khi gia nhập WTO.

Trong điều kiện tổ chức sản xuất chưa được quy hoạch hoàn chỉnh, nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vật tư đầu vào nhập khẩu nên tuy khá hơn so với công nghiệp nhưng vẫn mang bóng dáng của một nền sản xuất gia công: lấy lao động và tài nguyên thiên nhiên để đem lại thu nhập, phần khoa học công nghệ và giá trị gia tăng đóng góp còn thấp. Vì thế, sản xuất kém vững bền và hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải chịu hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, bảo hộ mới, yêu cầu về truy suất nguồn gốc khi tham gia xuất khẩu vào thị trường tiêu chuẩn cao. Những yêu cầu từ các nhà nhập khẩu đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh.

Hội nhập kinh tế toàn cầu tạo điều kiện gắn chặt thị trường trong nước và thế giới. Chính vì thế, những rủi ro về thị trường, giá cả thế giới cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới sự bất ổn của thị trường trong nước. Điều này đã chứng minh rất rõ qua một số cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây và đặc biệt là khủng hoảng lương thực trong năm 2008 và năm 2011. Do thiếu những giải pháp và chính sách quản lý rủi ro nên các biến động về giá đầu vào và đầu ra ảnh hưởng tiêu cực đến người sản xuất và kinh doanh Việt Nam.

Bên cạnh rủi ro về thị trường giá cả thì sự mất an toàn sinh học cũng là một thách thức lớn đối với bất kỳ nền kinh tế nào trong bối cảnh hội nhập. Với những đất nước phát triển, sự kiểm soát tốt sẽ hạn chế được nguy cơ mất an toàn sinh học. Tuy nhiên ở những nước đang phát triển như Việt Nam thì đây cũng là thách thức không nhỏ.

Một thách thức quan trọng nữa chính là yếu tố nguồn lực con người, bao gồm cả trình độ quản lý, sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu về trình độ của các cấp, các ngành, các thành phần đều phải nâng cao nhằm thích ứng với đòi hỏi mới. Tuy nhiên, hiện nay trình độ quản lý của Việt Nam còn hạn hẹp, các doanh nghiệp còn nhiều bỡ ngỡ khi tiến ra thị trường thế giới, trình độ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, manh mún… Những khó khăn này mang lại thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Như vậy có thể nói tăng cường hội nhập thương mại quốc tế bên cạnh các tác động tích cực cho nền kinh tế nói chung cũng như nền nông nghiệp nói riêng như tăng lượng xuất khẩu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập từ đó giúp tăng trưởng GDP, sử dụng hiệu quả tài nguyên thì cũng phải đương đầu với nhiều thách thức trong tương lai như đã nêu trên đây và rất cần được giải quyết triệt để.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn & TS. Trần Công ThắngViện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, Nông thôn