Quân đội Myanmar tại một tuyến đường ở thủ đô Naypyidaw ngày 17/2. (Nguồn: AFP) |
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Canada, nước này tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 9 quan chức quân đội Myanmar, cho rằng vụ chính biến đã dẫn tới các cuộc bắt giữ hàng loạt, sử dụng vũ lực và hạn chế các quyền tự do dân chủ.
Ngoại trưởng Canada Marc Garneau nêu rõ: "Chúng tôi phối hợp cùng với các đối tác quốc tế, những bên đã thúc giục khôi phục chính phủ được bầu một cách dân chủ, chúng tôi cũng nhắc lại lời kêu gọi của họ đề nghị quân đội Myanmar trả tự do cho những người đã bị bắt giữ một cách bất công sau khi quân đội giành quyền kiểm soát".
Trong khi đó, London đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 3 tướng quân đội của Myanmar do "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" sau vụ đảo chính quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nêu rõ: "Chúng tôi, cùng với các đồng minh quốc tế sẽ buộc quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm vì những hành vi vi phạm nhân quyền của họ, đồng thời tìm kiếm công lý cho người dân Myanmar".
Anh cho biết, sẽ lập tức phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với 3 thành viên quân đội Myanmar, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo, Bộ trưởng Nội vụ Soe Htut và Thứ trưởng Nội vụ Than Hlaing.
Ngoài ra, London sẽ đưa ra thêm các biện pháp bảo vệ nhằm tránh để viện trợ của Anh gián tiếp hỗ trợ cho chính quyền quân sự Myanmar.
Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Na Uy nêu rõ: "Vụ đảo chính quân sự hôm 1/2 đã làm thay đổi các điều kiện để Na Uy đóng góp tại Myanmar và cũng là lý do để Na Uy đóng băng các chương trình hợp tác chuyên môn giữa các cơ quan nhà nước Na Uy và Myanmar".
Theo Bộ Ngoại giao Na Uy, viện trợ của Oslo dành cho người dân Myanmar, được phân phối thông qua các cơ quan và tổ chức cứu tế của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ không chịu ảnh hưởng bởi quyết định này và sẽ được duy trì.
Na Uy đã đặt ra một khoản ngân sách 66,5 triệu Kroner (tức 7,84 triệu USD) trong năm 2021 để giúp thúc đẩy năng lực của các cơ quan nhà nước Myanmar trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, môi trường và bảo vệ đại dương.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, ông đã thống nhất trong cuộc điện đàm với những người đồng cấp của các nước thành viên nhóm Bộ tứ (Quad) là Mỹ, Ấn Độ và Australia rằng, nền dân chủ tại Myanmar cần phải được khôi phục một cách nhanh chóng.
Quân đội Myanmar đã bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự, bao gồm cả người đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2020, trong khi Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ những lời chỉ trích của quân đội.