📞

Nông thôn Trung Quốc 30 năm cải cách: Khởi phát từ xóm nhỏ

15:29 | 26/12/2008
Là một nước có tới 700 triệu nông dân, 30 năm qua khi tiến hành cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài, Chính phủ Trung Quốc luôn dành những chính sách ưu tiên để phát triển nông thôn. Hàng loạt các biện pháp hữu hiệu đã được thực hiện nhằm khuyến khích sức sáng tạo, năng động của nông dân.

Trước năm 1978, đất canh tác ở nước này được quản lý theo làng xã. Mọi người cùng làm việc và cùng có thu nhập cào bằng. Mô hình này được hình thành ngay sau khi nước CHND Trung Hoa được thành lập, đã góp phần tích cực phát triển nông thôn. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hệ thống quản lý đã tỏ ra bất cập, hạn chế nghiêm trọng tính năng động của người dân và năng suất lao động rất thấp. Nông thôn Trung Quốc vẫn giữ nguyên tình trạng đói nghèo và lạc hậu.

 

Tại miền Trung Trung Hoa, có một xóm nhỏ mang tên Xiaogangcun vỏn vẹn chỉ có 18 hộ với 120 nhân khẩu. Xóm nhỏ này đã trở nên nổi tiếng bởi dám tiên phong chia đất canh tác cho từng gia đình và ai cũng trở nên khấm khá. Có thể coi đây là đốm lửa đầu tiên nhen nhóm cho công cuộc cải cách được phát động vào tháng 12/1978.

 

Yan Hongchang, người ủng hộ việc chia đất cho nông dân nhớ lại: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng nếu làm thế, ắt phải thành công”. Theo thỏa thuận ngầm giữa 18 gia đình, tất cả đất đai, trâu bò và nông cụ được đem chia cho từng hộ. Thu hoạch xong, mỗi nhà phải nộp sản phẩm theo quy định từ trước, số còn lại được sử dụng tự do.

 

Đến tháng 9/1980, Chính phủ Trung Quốc thông qua văn kiện chính thức chấp nhận hệ thống khoán nông nghiệp. Rất nhanh, hệ thống này lan rộng ra toàn đại lục. Theo số liệu chính thức, từ năm 1978 đến 1984, nông nghiệp TQ mỗi năm tăng trưởng 8%, đảm bảo cuộc sống cho 900 triệu nông dân. Năm 2007, Trung Quốc thu hoạch trên 500 triệu tấn lương thực và nước này đã làm nên kỳ tích là nuôi sống 22% nhân loại chỉ nhờ 7% diện tích đất canh tác toàn cầu.

 

Kiên trì với chính sách thúc đẩy kinh tế nông thôn, trong 8 năm qua Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành cải tiến hệ thống thuế ở nông thôn, từng bước giảm dần và tiến tới bỏ thuế nông nghiệp. Năm 2006, Trung Quốc tuyên bố bỏ hoàn toàn thuế nông nghiệp và như vậy đã chấm dứt một truyền thống nông dân phải nộp thuế kéo dài tới 2.600 năm. Quyết định này mỗi năm giúp giảm khoản đóng góp của nông dân TQ hơn 130 tỷ nhân dân tệ. Bà Zhang Linxiu, nghiên cứu viên thuộc Viện Hàn lâm Trung Quốc cho biết: “Kể từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ngân sách của các địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn thuế nông nghiệp, nhưng hiện nay không còn đáng kể. Việc xóa bỏ thuế nông nghiệp đã giảm gánh nặng cho nông dân, đồng thời thúc đẩy phát triển nhanh chóng nông thôn và nông nghiệp”.

 

Sau 30 năm cải cách, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Trung Quốc được cả thế giới đánh giá cao nhờ việc xóa bỏ chế độ công xã nhân dân và đạt được sản lượng lương thực tăng nhưng cấu trúc quyền lực khu vực nông thôn ít thay đổi. Đất đai thuộc sở hữu tập thể nhưng đã cho nông dân thuê để canh tác. Hệ thống này đã tách người nông dân ra khỏi sự bùng nổ mà các thành phố được hưởng lợi do giá cả thị trường bất động sản tăng nhanh trong mấy năm gần đây.

Nhằm đối phó với tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng giữa thành thị và nông thôn cũng như giảm sức ép đô thị hóa, Chính phủ Trung Quốc đang triển khai chính sách Tam nông: nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đó là chính sách đồng bộ thể hiện sự nhất quán luôn tìm tòi hình thức quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn của Trung Quốc.

Theo số liệu vừa được Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm 2007 đạt 24.950 tỷ nhân dân tệ, tương đương 23,7% GDP của Mỹ, 74,9% GDP của Nhật Bản và 99,5% GDP của Ðức. Trong thời gian từ 1978 đến 2007, tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP Trung Quốc là 9,8%, cao hơn 3% so với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của thế giới trong cùng thời kỳ. Thu nhập bình quân đầu người của nước này tăng từ 190 USD năm 1978 lên 2.360 USD năm 2007. Trong 30 năm cải cách mở cửa, thành phần kinh tế phi tập thể trong nền kinh tế đã phát triển với tốc độ nhanh. Thành phần kinh tế nhà nước không còn đóng vai trò độc quyền ở Trung Quốc. Kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài cùng tồn tại trong hệ thống kinh tế của Trung Quốc. Số liệu của NBS cho thấy, năm 1978, xí nghiệp quốc doanh chiếm 77,6% tổng sản lượng công nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2007, tỷ lệ này chỉ còn chiếm 29,5%. Mặc dù tỷ lệ giảm, nhưng kinh tế quốc doanh vẫn là yếu tố quan trọng trong kinh tế Trung Quốc.

 

Phong Nhi