Nhà vô địch Wimbledon 2021 là ứng cử viên số 1 tại nội dung đơn nam Olympic Tokyo 2021 (Nguồn: Skysports) |
Đó là khi một vận động viên tennis vô địch 4 giải Grand Slam - tức 4 giải lớn nhất (Australia Mở rộng, Pháp Mở rộng, Wimbledon và Mỹ Mở rộng) và giành huy chương vàng nội dung đánh đơn Olympic trong cùng 1 năm dương lịch.
Việc giành được danh hiệu này là vô cùng khó, khi mà Olympic 4 năm mới có 1 lần và các giải Grand Slam đều quy tụ những tay vợt giỏi nhất, tham vọng nhất. Khi đó, vận động viên phải có một năm phong độ cực kỳ cao, ổn định, và cả may mắn nữa thì mới sở hữu được tất cả.
Lịch sử mới chỉ ghi danh một người làm được điều này, đó là huyền thoại người Đức Steffi Graf. Bà thắng 4 giải lớn trong năm và giành được huy chương vàng nội dung đơn nữ tại Thế vận hội Seoul 1988.
Với Novak Djokovic (hay được gọi là Nole), 7 tháng vừa qua có lẽ là 7 tháng đầu năm đẹp nhất trong sự nghiệp quần vợt đỉnh cao của anh.
Đầu năm, anh thể hiện sự thống trị ở Australia Mở rộng với kỷ lục được nối dài lên 9 lần chiến thắng. Sau đó, tại Pháp Mở rộng, Nole tạo một cú sốc khi đánh bại kình địch Rafael Nadal, ông vua sân đất nện, để thêm một lần hiếm hoi vô địch giải Gram Slam khó nhằn nhất.
Và gần đây, trên các mặt sân cỏ nước Anh, Nole vẫn cho thấy anh không có đối thủ khi giành cúp mà không gặp quá nhiều trở ngại. Quan trọng hơn, danh hiệu Wimbledon này đánh dấu một cột mốc quan trọng khi mà tay vợt sinh năm 1987 đã cân bằng kỷ lục giành 20 Grand Slam của Roger Federer lẫn Rafael Nadal.
Điều đó có nghĩa, đây là lần đầu tiên Nole không thua kém hai cái tên này ở phương diện danh hiệu lớn.
Bây giờ, chỉ cần giành huy chương vàng Olympic và giải Mỹ Mở rộng nữa là anh sẽ độc tôn về số danh hiệu và ghi danh là tay vợt nam duy nhất có được Golden Slam.
Xét về thành tích “Calendar Year Grand Slam”, trong lịch sử quần vợt nam và nữ thế giới mới có 5 người thâu tóm trọn bộ 4 Grand Slam trong cùng một năm Dương lịch. Đó là Don Budge (1938), Maureen Connolly Brinker (1953), Rod Laver (1962 & 1969), Margaret Court (1970) và Steffi Graf (1988). Nếu đăng quang Mỹ Mở rộng 2021, Nole sẽ trở thành tay vợt thứ 6 trong lịch sử và thứ tư ở kỷ nguyên mở (từ năm 1968 trở đi) lập kỷ lục “Calendar Year Grand Slam”. |
Hai yếu tố
Hôm 16/7, Nole đã công bố việc tham dự Thế vận hội Tokyo bằng cách đăng tải video nói chuyện với một fan nhí người Nhật. Người hâm mộ của anh vui mừng hơn bao giờ hết, nhất là khi đây là cơ hội lớn để anh lần đầu giành huy chương vàng ở đấu trường này.
Djokovic đang có phong độ cao, nằm ở vị trí số một thế giới. Các đối thủ lớn của anh là Nadal và Federer đều đã quyết định không tham gia, các đối thủ còn lại vẫn chưa thấy sự lớn mạnh đủ tầm.
Dù vậy, để có thể lên ngôi tại Olympic Tokyo, Nole cần phải hết sức tập trung, và khắc phục một số vấn đề, trong đó có 2 vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, vượt qua sức ép tâm lý khi từng thất bại tại các kỳ Olympic trước đó.
Năm 2008, khi bắt đầu vươn lên nhóm tốp đầu thế giới, một Novak trẻ trung đăng ký thi đấu ở Olympic Bắc Kinh. Anh chơi rất ổn định, vượt qua nhiều đối thủ, cho đến khi gặp tay vợt số 1 thế giới lúc đó là Rafael Nadal tại bán kết. Tay vợt Serbia thua 1-2. Anh giành huy chương đồng sau khi hạ James Blake.
Tại London 2012, Nole vẫn đi đến bán kết và đụng độ tay vợt chủ nhà Andy Murray. Thời điểm đó, tay vợt người Anh rất mạnh ở sân cỏ và đánh bại Nole sau 2 set với cùng tỷ số 7-5.
Điều cay đắng hơn so với năm 2008 là lần này, Djokovic còn không giành được huy chương khi để thua Juan Martin Del Potro trong trận tranh giải ba.
Tận cùng thất vọng đến với Nole tại Thế vận hội Rio 2016. Ngay trận mở màn, anh một lần nữa bị Del Petro hạ gục sau 2 set, và đều ở loạt tie-break. Đây là một cú sốc với tay vợt người Serbia, khi mà lúc đó đang ở đỉnh cao phong độ.
Sau trận đấu anh đã khóc lúc vẫy tay chào khán giả. Có lẽ ngay thời điểm đó, anh không chắc liệu mình có thể thi đấu thêm một kỳ Olympic nữa không vì không còn trẻ nữa.
Novak Djokovic đẫm lệ chào khán giả sau thất bại sốc trước Del Potro trận mở màn Olympic 2016. (Nguồn: Tennisworldusa) |
Yếu tố thứ hai mà Djokovic và ekip của anh cần quan tâm, đó là vượt qua những trở ngại của việc chỉ thi đấu tối đa 3 set tại Olympic.
Ở các giải Grand Slam, các tay vợt phải giành được 3 set thắng thì mới hết trận, do đó nếu thua trước 1 hay 2 set thì vẫn còn cơ hội gỡ. Nhưng ở Olympic, quy trình set ngắn hơn, khi chỉ cần 2 set thắng là vượt qua đối thủ. Do đó, thua ngay ở set đầu đã có thể bị bất lợi về tâm lý.
Nole hiện rất mạnh, điều đó không ai phủ nhận. Tuy nhiên, anh không phải lúc nào cũng khởi đầu tốt.
Ở các giải gần đây, anh vẫn có nhiều trận bị dẫn trước. Nếu điều đó tái diễn ở Olympic thì thực sự rủi ro quá lớn. Các tay vợt khi đã dẫn anh một set, họ sẽ có lợi thế tâm lý lớn, và thi đấu hết mình để giải quyết luôn trận đấu. Djokovic cần phải tập trung hơn ngay từ set đầu và kịp điều chỉnh ngay khi có vấn đề. Có như vậy anh mới hạn chế việc bị lôi vào thế phải lội ngược dòng.
Nole đã bước sang tuổi 34, khả năng cao đây sẽ là lần cuối người hâm mộ quần vợt thấy anh tại đấu trường Thế vận hội. Hy vọng rằng, Nole sẽ giành lấy cơ hội cuối này, và cũng là cơ hội lớn nhất từ trước đến nay, để lần đầu tiên đứng lên bục cao nhất.
Một tiền đề không thể tuyệt vời hơn cho một chiến thắng nốt tại Mỹ Mở rộng, và trở thành tay vợt nam đầu tiên trong lịch sử sở hữu Golden Slam - Tại sao không?