📞

NSƯT Kim Tử Long: Tại sao mình không sớm dành thời gian cho gia đình mà đợi đến bây giờ?

Gia Bảo 07:45 | 06/09/2021
NSƯT Kim Tử Long tâm sự, nghiệm ra giá trị của gia đình, giá trị của sự yêu thương, gắn kết và chăm sóc lẫn nhau, tập trung lo cho gia đình và con cái.
NSƯT Kim Tử Long.

NSƯT Kim Tử Long giảm 3 kg, bệnh gout không tái phát nhờ ăn chay

NSƯT Kim Tử Long chia sẻ, thời gian qua, anh nghe chuyện buồn của gia đình nghệ sĩ Bình Tinh hay chuyện ca sĩ Phi Nhung đang nằm viện mà không khỏi buồn lo, càng tự nhắc nhở mình phải cẩn trọng hơn.

Kim Tử Long cũng dừng công việc kinh doanh, kể cả bán hàng online. Theo anh, việc bán online sẽ có hoạt động đóng gói, giao - nhận hàng, có thể tạo nguy cơ lây nhiễm virus. Anh không muốn vì công việc của mình gây ảnh hưởng đến người khác.

NSƯT không muốn chia sẻ nhiều về tình hình tài chính gia đình. "Mỗi người một hoàn cảnh, cùng một chia sẻ nhưng ai thương tôi sẽ cảm thông, ai không thương tôi có thể nói sai khác đi chia sẻ của mình.

Tôi sẽ chịu trách nhiệm tất cả việc mình làm. Tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh của các nghệ sĩ đồng nghiệp. Tôi không dám nhận có của dư của để nhưng nếu biết hoàn cảnh nào, tôi sẽ chia sẻ ít nhiều những gì mình có với họ", anh nói.

Kim Tử Long khoe anh giảm 3 kg, hiện chỉ còn 60 kg nhờ anh chay suốt tháng 7 âm lịch. Thời gian đầu thực hiện giãn cách, anh ở nhà hết ăn lại ngủ nên từng tăng cân vùn vụt.

Nghệ sĩ kể: "Ơn trời, sức khỏe tôi vẫn ổn, không có bệnh gì ngoài gout. Bệnh này là do tôi thèm ăn. Hồi xưa, tôi ăn ghẹ 3 kg/lần, ăn sầu riêng 6-7 múi/lần,... Tôi mở nhà hàng nên thường xuyên ghé qua ăn thịt bò.

Tôi đã được bác sĩ cảnh báo là axit uric tăng cao, dễ thành gout nhưng tôi không tin, cứ thế mà ăn cho sướng miệng. Đến khi bị gout hành đau thấu trời, tôi mới nghe lời bác sĩ kiêng cữ hết các món yêu thích".

Tổ ấm hạnh phúc của Kim Tử Long

Nhận ra mình vô tâm với gia đình

Kim Tử Long cho biết cuộc sống hàng ngày của mình thường bắt đầu buổi sáng bằng việc vào bếp làm như mì Thái, bún xào, ốp la, cá hộp,... cho các con.

Sau đó, anh lại cùng các con bơi trong bể bơi nhỏ ở nhà mình thay cho tập thể dục. Đến bữa trưa, NSƯT lại nấu các món đơn giản như cá kho, gà chiên,... "Nhờ dịch bệnh, tôi nhận ra mình cũng có tài đấy chứ", anh bật cười.

Kim Tử Long thường livestream vào mỗi chiều và tối, khoảng 2-3 tiếng/lần. Thời gian còn lại, anh sẽ trò chuyện với người quen, gọi hỏi thăm bạn bè hoặc xem phim.

Có lần, con trai Kim Tử Long là bé Andy (8 tuổi) đã nói với anh: "Ba ơi, con ước dịch bệnh kéo dài hoài để ba ở nhà với con hoài!". Anh giật mình vì con nhỏ không hiểu dịch bệnh là thế nào nên hồn nhiên nói như vậy. Dĩ nhiên, anh đã giải thích kỹ càng ngay để con hiểu tình hình ngoài xã hội.

Nhưng trong thâm tâm, Kim Tử Long thấy chạnh lòng vì thương con. Anh kể: "Với đầu óc non nớt của nó, "dịch bệnh" là cái gì đó khiến ba nó ở nhà. Ngày thường, tôi dành hầu hết thời gian ở ngoài đường.

Tôi từ quay show, thu âm, họp hành, tôi đến ngồi quán cafe, nhà hàng tiếp khách, có hôm đi từ sáng sớm đến 12h đêm mới về nhà khi các con đã ngủ. Tôi nhận ra mình đã quá tất bật với công việc, các giấy tờ, hợp đồng đến nỗi con mình phải ước ao một điều đơn giản như vậy".

NSƯT khoe vừa cắt tóc cho con cháu trong nhà. Nhà anh có 5 người nam: 2 con trai, con rể, em vợ và cháu ruột. Vì thực hiện giãn cách xã hội, tóc ai nào cũng dài.

Thế là, Kim Tử Long đặt mua 1 tông-đơ và 1 cái kéo, gọi tụi nhỏ: "Mấy đứa bây ra đây hớt tóc". Anh bật cười: "Tôi hớt xong, đứa nào cũng khóc. Nếu tiệm hớt tóc 10 điểm, chắc tôi cũng đạt 4 - 5 điểm".

Kim Tử Long và vợ Trinh Trinh kém 11 tuổi.

Kim Tử Long và Trinh Trinh không có nhiều thay đổi trong mùa dịch. "Chúng tôi vẫn tập trung lo cho gia đình và con cái. Trinh vốn đã chăm con từ A tới Z, nay lại càng chăm kỹ hơn.

Cô ấy lo từng cái khẩu trang, xịt khuẩn đến nấu nước xông hơi cho con để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm. Vợ chồng tôi hay kể với nhau những hoàn cảnh khó khăn quanh mình để cùng bàn với nhau sẽ giúp ai, giúp thế nào", anh tâm sự.

Mấy hôm nay, Kim Tử Long ngồi ngẫm nghĩ về những điều đơn giản mình đã làm trong mùa dịch - những điều mà ngày thường không làm được vì bon chen lo cơm áo gạo tiền. Anh nghiệm ra giá trị của gia đình, giá trị của sự yêu thương, gắn kết và chăm sóc lẫn nhau.

"Tôi tự hỏi bản thân nhiều lần rằng tại sao mình không sớm dành thời gian cho gia đình mà đợi đến bây giờ? Tại sao đến những ngày này mới vào bếp nấu cơm cho gia đình và nhận ra ai cũng thích đồ ăn mình nấu?...

Dù có bươn chải, bận bịu kiếm tiền cỡ nào đi nữa thì gia đình vẫn là một giá trị thiêng liêng. Bạn phải yêu thương gia đình mình rồi mới yêu thương mọi người, lo cho gia đình trước khi lo cho xã hội. Đó là bài học lớn dành cho tôi", anh trải lòng.

(theo Vietnamnet)