TIN LIÊN QUAN | |
ASEAN - tổ chức khu vực thành công nhất | |
ASEAN trong chiến lược châu Á mới của Mỹ |
Trong cuộc Hội thảo quốc tế “Chuyển dịch địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương và chặng đường nửa thế kỷ của ASEAN” diễn ra ngày 9/6 tại Hà Nội, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đề cập tới những thay đổi, bài học và thách thức đối với ASEAN trong tương lai.
Nguyễn Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bốn bài học lớn
Theo ông Vũ Khoan, 50 năm ASEAN đã chứng kiến nhiều đổi thay lớn. Năm 1967, ASEAN ra đời trong bối cảnh chiến tranh căng thẳng ở Đông Nam Á, kéo dài suốt 25 năm (đến năm 1991 ký Hiệp định Paris về Campuchia). Hiện nay, bức tranh đó đã thay đổi, không còn chiến tranh giữa các nước và khu vực, không còn xung đột, nhưng còn những tranh chấp trên Biển Đông, chủ nghĩa khủng bố hay những căng thẳng từ bên ngoài dội vào khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì hiện nay cục diện của ASEAN đã khác. Nhà ngoại giao kỳ cựu nhận định, trước kia, các nước ASEAN là những nước nghèo, chậm phát triển, nhưng nay ở những mức độ khác nhau đều đã thay đổi, có những nước trở nên phồn vinh, có vai trò lớn về kinh tế trên thế giới. Hơn nữa, Đông Nam Á 50 năm trước bị chia rẽ, xung đột nhưng nay 10 nước đã ở trong một khối. Vai trò, vị trí của các nước đã và đang ở những mức độ khác nhau, không như trước kia, một số nước bị lôi kéo trở thành những quân cờ, nay không những độc lập mà còn có vai trò dẫn dắt ở khu vực.
Ông Vũ Khoan cho rằng, chính những đổi thay đó cũng cho ASEAN bốn bài học lớn. Thứ nhất, ASEAN hay bất cứ khu vực nào cũng không thể phát triển được nếu cứ xung đột. Lịch sử 50 của ASEAN và lịch sử thế giới đã chứng tỏ điều đó. Thứ hai, bất kỳ quốc gia nào cũng không thể phát triển được trong sự cô lập, các quốc gia chỉ có thể phát triển nếu liên kết với nhau và hội nhập với thế giới. Thứ ba, các nước chỉ có thể mạnh lên nếu liên kết với nhau. Thứ tư, ASEAN chỉ có thể thành công nếu tự lực tự cường, giữ được độc lập, không biến mình thành sân chơi hay quân bài trong tay người khác. ASEAN phải chủ động dẫn dắt thế giới chứ không để thế giới dẫn dắt mình. Chính những bài học sẽ dẫn dắt chúng ta tiến lên như thế nào.
Giương cao ngọn cờ tự do hóa, toàn cầu hóa
Đề cập tới những thách thức mà Hiệp hội gặp phải trong hành trình đi tới tương lai, trước tiên Nguyên Phó Thủ tướng nhắc tới khía cạnh kinh tế. Thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nhìn lại lịch sử, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 ở cuối thế kỷ trước, ASEAN đã nắm được hai xu hướng và nhờ đó mà phát triển được. Đó là xu thế công nghệ thông tin và xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá. ASEAN đã nắm bắt được chúng để phát triển chủ nghĩa khu vực.
“Ngày nay, ASEAN phải đối mặt với hai rào cản. Thứ nhất, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, liệu ASEAN có nắm bắt được không là một câu hỏi lớn, bởi lẽ những phát minh, sáng chế ở đâu đó chứ không phải ở ASEAN. Nếu ASEAN không nắm bắt được thì có thể nói đó là sự lạc hậu về chất. Thứ hai, trước xu hướng bảo hộ đang nổi lên trên thế giới, vấn đề đặt ra là ASEAN có giương cao ngọn cờ tự do hoá và toàn cầu hoá hay chỉ thích nghi và để cho người khác giương ngọn cờ đó”, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.
Các đại biểu, diễn giả tham gia Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Kinh tế ASEAN vốn hướng ngoại, buôn bán nội khối rất thấp. Ông Vũ Khoan cho rằng cũng phải “minh oan” cho ASEAN, vì đó là thách thức nhưng cũng do hoàn cảnh khách quan của ASEAN khác các nước châu Âu, các nền kinh tế của ASEAN có tính bổ sung cho nhau không nhiều mà tất cả đều hướng ngoại, lấy đó làm động lực phát triển. Vì vậy, buôn bán nội khối không tiến lên được. Bởi vậy, ngọn cờ tự do hoá và toàn cầu hoá là chỗ dựa cho ASEAN. Nếu buông bỏ và ngọn cờ này mất đi, ASEAN sẽ khó khăn rất nhiều.
Hài hòa lợi ích chung và riêng
Về an ninh khu vực, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định, ASEAN chỉ có thể phát triển trong điều kiện hoà bình, ổn định, nhưng hiện tại có 3 hiện tượng đang nổi lên có thể đe dọa tới sự ổn định của khu vực. Đó là, sự bất ổn ở khu vực Đông Bắc Á đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên và Biển Đông; chủ nghĩa khủng bố đang lan sang ASEAN, đã biến một số nước ASEAN trở thành nơi hoạt động; sự tranh hùng giữa các nước lớn thể hiện rõ rệt trên thế giới. ASEAN đã rất thành công trong việc thích nghi với những chuyển dịch sức mạnh trước đây, kể cả khi thế giới là hai cực hay tam giác Xô - Mỹ - Trung. Nhưng hiện tại, cục diện thế giới bất định, do đó, vấn đề an ninh cũng không thể khiến Hiệp hội yên lòng.
Nguyên Phó Thủ tướng phân tích, trên thế giới đang diễn ra cuộc giằng co giữa hai xu hướng: hướng tâm và ly tâm. Hướng tâm thể hiện trong sự hình thành liên kết, ở châu Âu là Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á là ASEAN. Khi chiều hướng hướng tâm hình thành các tổ chức khu vực thì đi liền với nó sẽ nảy sinh xu hướng ly tâm. Hiện tượng này phản ánh sự “va đập” lợi ích chung và riêng của từng quốc gia. Chừng nào tìm thấy tiếng nói chung thì xu hướng hướng tâm tăng lên, chừng nào lợi ích riêng tư nổi trội thì nảy sinh ly tâm. Đây là một hiện tượng khách quan, làm sao hài hoà được lợi ích chung và riêng là vấn đề có ý nghĩa thời sự ở khu vực, trong Hiệp hội.
Trong bối cảnh nói trên, theo ông Vũ Khoan, việc ASEAN cần phải làm là điều phối được mối quan hệ với các nước lớn. Một trong những thành công của ASEAN là đã xử lý khá tốt mối quan hệ của mình với các nước lớn, nhưng va đập lợi ích của các nước lớn ngày càng có nhiều diễn biến mới, thách thức ASEAN phải tìm được chỗ đứng cho mình trong chuyển dịch lực lượng và chuyển dịch quan hệ giữa "những người khổng lồ".
Tất cả các nước ASEAN đều muốn có hoà bình, muốn ổn định, muốn được tôn trọng trước pháp luật. Những vấn đề xung đột ở đây không phải do các nước ASEAN gây ra, do vậy, việc ứng xử như thế nào với nó lại là câu chuyện mà Hiệp hội cần đối mặt.
“Ở Việt Nam có câu châm ngôn ‘Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’, 10 cây trong ASEAN chụm lại sẽ thành núi rất cao. Chúng ta đang ngồi cùng trên một con thuyền, con thuyền đó mà đắm thì tất cả sẽ cùng đắm bởi trên thực tế lợi ích chung, lợi ích riêng va đập rất khác nhau”, ông Vũ Khoan nói.
ASEAN - trung tâm dẫn dắt các cơ chế hợp tác an ninh khu vực Là một thành viên tích cực của Đối thoại Shangri-La, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến quan trọng đóng góp vào việc duy trì ... |
Nhiếp ảnh ASEAN khởi sắc Chia sẻ về Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN” dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8 tới, họa sĩ Vi Kiến Thành ... |
Đối thoại bàn tròn ASEAN tại Canada Ngày 9/5, tại thủ đô Ottawa, Canada đã diễn ra Đối thoại bàn tròn ASEAN nhằm nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển của ... |