Berlin, Đức trong thời tiết ôn hòa vào ngày 4/1. (Nguồn: Odd Andersen/AFP/Getty Images) |
Thời tiết ôn hòa, nhiều nhà cung cấp hơn và nỗ lực giảm nhu cầu đang giúp châu Âu, khi lượng lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của khu vực vẫn gần đầy và giá giảm xuống mức trước chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sau sự thay đổi mạnh mẽ trong tháng qua, châu Âu có thể đã vượt qua giai đoạn tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều thập niên.
Sự kết hợp của các điều kiện nói trên - bao gồm cả sự cạnh tranh gay gắt giữa đại dịch Covid-19 của Trung Quốc đối với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - đã giúp lạm phát "hạ nhiệt", góp phần giúp ổn định triển vọng kinh tế của châu Âu và khiến Điện Kremlin có ít đòn bẩy hơn đối với các đồng minh của Ukraine.
Nhiều tin vui
Một đợt lạnh đột ngột hoặc gián đoạn giao hàng từ các nhà cung cấp vẫn có thể khiến thị trường năng lượng châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn, tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự lạc quan ngày càng tăng lên và khu vực có thể vượt qua mùa Đông này và mùa Đông tới.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định: "Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn toàn - một cuộc khủng hoảng cốt lõi của ngành công nghiệp châu Âu đã được ngăn chặn".
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái gây ra khủng hoảng năng lượng, khiến châu Âu thiệt hại gần 1 nghìn tỷ USD do giá năng lượng tăng cao. Các chính phủ chi hơn 700 tỷ USD để giúp các công ty và người tiêu dùng đối phó với giá khí đốt cao nhất mọi thời đại.
Các quốc gia châu Âu cũng nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.
Liên minh châu Âu (EU) không còn nhập khẩu than và dầu thô từ Moscow và việc cung cấp khí đốt đã bị hạn chế đáng kể. Khối 27 thành viên đã lấp đầy khoảng trống bằng cách tăng nguồn cung từ Na Uy và vận chuyển LNG từ Qatar, Mỹ và các nhà sản xuất khác.
Ở Đức, các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất đã đầy khoảng 91%, so với mức 54% một năm trước. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã quốc hữu hóa một số công ty năng lượng và chi hàng tỷ Euro để lấp đầy các kho dự trữ.
Các biện pháp tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp và hộ gia đình cũng như nhiệt độ ấm nhất trong nhiều thập niên đã giúp Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - duy trì lượng khí đốt lưu trữ.
Người đứng đầu cơ quan mạng lưới Liên bang Đức Klaus Mueller nhận định: “Chúng tôi rất lạc quan. Đức càng có nhiều khí đốt trong các kho lưu trữ vào đầu năm, thì đất nước sẽ càng ít phải đối mặt với căng thẳng và tiết kiệm được chi phí trong việc tiếp tục lấp đầy kho trong mùa Đông".
Giá khí đốt chuẩn đã giảm xuống 1/5 so với mức kỷ lục được thiết lập vào tháng 8.
Tính đến ngày 6/1, giá khí đốt bán buôn ở châu Âu, được đo bằng hợp đồng tương lai chuẩn của Hà Lan, đã giảm gần 48% kể từ giữa tháng 12, xuống mức 71 Euro (tương đương 74 USD) mỗi Megawatt giờ - gần bằng mức giá được ghi nhận vào ngày 15/2/2022.
Mức giá hiện thấp hơn gần 80% so với mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 8/2022 là 346 Euro (364 USD) mỗi megawatt giờ.
Dù có lo ngại rằng, giá rẻ hơn có thể kích thích nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng, nhưng việc sử dụng khí đốt vẫn đang giảm - một dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế châu Âu.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết trong một báo cáo rằng, mức tiêu thụ của châu Âu dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình trong suốt năm 2023.
Các điều kiện thuận lợi và việc mở rộng năng lực tái tạo cũng đang hỗ trợ châu Âu.
Theo S&P Global, năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ giúp cắt giảm 39% sản lượng điện chạy bằng khí đốt tại 10 thị trường năng lượng lớn nhất châu Âu trong năm nay.
Morgan Stanley cũng cho hay, khu vực châu Âu đang đón nhận quá nhiều LNG. Việc giao hàng đã lập kỷ lục mới vào tháng 12/2022 và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.
Đức, từng là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, sẽ mở ba kho cảng và nền kinh tế lớn nhất châu Âu hy vọng các cơ sở LNG mới sẽ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu trước đây. Nguồn cung cấp ổn định từ các nhà cung cấp ngoài Nga có khả năng giữ giá khí đốt không tăng lên mức cao nhất của năm ngoái.
Nhà phân tích Giacomo Masato tại công ty năng lượng Illumia SpA có trụ sở tại Italy nhận định: “Việc châu Âu tìm cách lấp đầy các kho dự trữ đã thực sự tạo ra 'vùng đệm' cho giá cho mùa Đông sắp tới. Sự lo lắng cũng đã giảm bớt khi khu vực này tìm được nguồn cung khí đốt dồi dào.”
Ngân hàng Morgan Stanley và công ty tư vấn Wood Mackenzie Ltd. dự đoán, các kho dự trữ khí đốt sẽ được lấp đầy đầy khoảng một nửa vào mùa Xuân này nếu thời tiết vẫn ôn hòa. Mức khí đốt này sẽ gấp đôi mức dự trữ của năm ngoái.
Nhà ga Wilhelmshaven LNG mới khai trương, do Uniper SE vận hành ở Wilhelmshaven, Đức. (Ảnh: Liesa Johannssen/Bloomberg) |
Chưa thoát khỏi khó khăn
Tuy nhiên, Bloomberg cũng cho rằng, bất chấp những diễn biến tích cực nêu trên, giá vẫn cao hơn mức trung bình trong lịch sử và rủi ro vẫn còn. Nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga trong năm nay sẽ chỉ bằng 1/5 mức thông thường - khoảng 27 tỷ m³ - và Điện Kremlin có thể cắt giảm hoàn toàn bất cứ lúc nào.
Nhà nghiên cứu Anne-Sophie Corbeau tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia nhận thấy, 27 tỷ m³ là mức giảm lớn đối với một thị trường đang tiêu thụ 400 tỷ m³ vào năm 2021.
Do đó, LNG sẽ rất quan trọng để đảm bảo đủ nguồn cung cho châu Âu trong mùa Đông tới và khu vực sẽ cần phải cảnh giác. Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể gây ra sự cạnh tranh lớn, với nguồn cung bị thắt chặt cho đến khi có thêm công suất vào năm 2025.
Bên cạnh đó, Nga cũng có khả năng gây ra sự gián đoạn trên thị trường năng lượng, với tư cách là một trong ba nhà cung cấp nhiên liệu LNG hàng đầu của châu Âu.
Không chỉ thế, khủng hoảng khí hậu có thể góp phần làm thiếu nhu cầu sưởi ấm cho đến mùa Đông năm 2023, đơn cử như trận bão tuyết vừa quét qua nước Mỹ cuối tháng 12/2022.
Theo Wood Mackenzie, nhiệt độ đóng băng kéo dài có thể làm cạn kiệt các kho lưu trữ khí đốt.
Nhà nghiên cứu Corbeau cho rằng, để đảm bảo dự trữ khí đốt suôn sẻ vào mùa Hè, cần rất nhiều yếu tố như nguồn cung cấp điện ổn định từ các máy phát điện gió, hạt nhân và thủy điện; dòng chảy LNG ổn định và người tiêu dùng cần tiếp tục tiết kiệm năng lượng.
Công ty tư vấn Wood Mackenzie nhấn mạnh: “Châu Âu có thể đang ở một vị thế tốt hơn so với lo ngại trước đây, nhưng khu vực vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn".