Khi đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) ở bang Bavaria trong liên minh cầm quyền của bà khởi động mùa tranh cử vào năm 2017 trong kỳ đại hội đảng ngày 4/11, bà Merkel - lần đầu tiên trong suốt 16 năm lãnh đạo đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), sẽ không có tên trong danh sách khách mời của đại hội.
Làn sóng giận dữ vẫn kéo dài
Sự vắng mặt của bà Merkel là dấu hiệu cho thấy chính sách mở cửa cho người di cư của bà, tạo điều kiện cho gần 900.000 người xin tị nạn tới Đức hồi năm ngoái, vẫn gây ra một làn sóng giận dữ kéo dài. Lúc đỉnh điểm của làn sóng tị nạn, bà Merkel đã phải hứng chịu phát biểu chỉ trích kéo dài gần 15 phút của lãnh đạo CSU, Thủ hiến bang Bavaria Host Seehofer.
Bà Merkel đang gặp khó bởi chính sách đối với người nhập cư của mình. (Nguồn: Getty Images) |
Mặc dù việc bà Merkel mở cửa cho người tị nạn được nhiều người hoan nghênh, song nó cũng gây ra những mối quan ngại sâu sắc và làm tăng thanh thế cho đảng cánh hữu mới thành lập - đảng dân túy “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD). Công khai phản đối người di cư và Hồi giáo, AfD đang nổi lên là nhân tố gây bất ngờ trong kỳ bầu cử vào tháng 9/2017 và hiện có khoảng 12% phiếu bầu.
Không hề thua kém trong việc phản đối nhập cư, Đảng CSU muốn Đức phải ưu tiên người di cư từ “môi trường văn hóa Cơ đốc giáo phương Tây”, cấm người Hồi giáo và đặt giới hạn dưới 200.000 người tị nạn mỗi năm - một yêu cầu mà bà Merkel đã kiên quyết bác bỏ.
Bà Merkel hiện chưa chính thức công bố việc ra tranh cử, song dự định sẽ công bố tại đại hội đảng CDU vào tháng 12 tới. Lúc đó, CSU chắc sẽ giảng hòa và tiếp tục ủng hộ bà giành nhiệm kỳ thứ 4.
Ngày 2/11, Tổng thư ký CDU Peter Tauber khẳng định, các đảng kết nghĩa truyền thống có “nhiều tương đồng hơn khác biệt”. Tỷ lệ người ủng hộ bà Merkel, vốn rất cao trong các cuộc thăm dò dư luận, đã bị ảnh hưởng bởi sự phản đối gay gắt người tị nạn. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho bà Merkel đã tăng trở lại khi số lượng người di cư giảm xuống và Đức siết chặt các quy chế tị nạn, với mức dự kiến cho cả năm nay chỉ khoảng 300.000 người nhập cư.
Theo điều tra của hãng DeutschlandTrend, tỷ lệ ủng hộ bà Merkel hồi tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua song hiện đã đạt trở lại mức 54% trong tháng này. Chuyên gia Oskar Niedermayer của trường Đại học Tự do ở Berlin nói: “Uy tín của bà Merkel đã bị giảm song vẫn dẫn đầu, không ai trong phe bảo thủ có thể sánh ngang hàng với bà”.
Chuyên gia chính trị học này cho rằng, theo xu hướng hiện nay, khi cuộc khủng hoảng người di cư đang dần không còn là vấn đề cấp bách đối với các cử tri nữa, thì đảng CDU của bà có thể vẫn là đảng mạnh nhất. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nhiều điều có thể xảy ra trong một năm tới.
Vẫn là đối thủ "đáng gờm"
Các nhân vật hàng đầu trong đảng Xã hội Dân chủ (SPD) trung tả vẫn lo ngại rằng, việc đối đầu với bà Merkel là một sự "tự sát" chính trị. Ứng cử viên lần trước của SPD, cựu Bộ trưởng Tài chính Peer Steinbrueck, đã phải chịu một thất bại đau thương trong kỳ bầu cử năm 2013. Tháng trước, ông đã nói lời chia tay nghị viện với dự định đi làm cố vấn cho một ngân hàng lớn.
Gần 1 triệu người di cư đã đến Đức trong năm 2015. (Nguồn: Getty Images) |
Ứng cử viên sắp tới của SPD dự kiến sẽ là ông Sigmar Gabriel, hiện là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế. Cũng như bà Merkel, ông Gabriel chưa tuyên bố ra tranh cử đại diện cho SPD. SPD hiện có tỷ lệ ủng hộ thấp, khoảng 20%. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng được cho là có thể ra tranh cử.
SPD, hiện đối mặt với nguy cơ trở thành phe đối lập hoặc chỉ đóng vai trò phụ đằng sau phe bảo thủ của bà Merkel trong liên minh khổng lồ không hòa thuận, đã manh nha ý định liên kết lực lượng với các đảng cánh hữu khác. Các thành viên của SPD, đảng cực tả Linke và đảng sinh thái Xanh (Greens) đã gặp nhau để thăm dò ý tưởng về một liên minh “đỏ-đỏ-xanh”.
Đảng Linke cũng đã ra tín hiệu về khả năng ủng hộ một ứng cử viên của SPD trong một cuộc đua tranh chính trị khác, tranh chức tổng thống - một vị trí có tính biểu tượng song cũng có thanh thế. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại lớn về chính sách, ví dụ như đảng Linke, hậu duệ của đảng Cộng sản Đông Đức, có tuyên ngôn hòa bình và hoài nghi về liên minh châu Âu, theo đó phản đối các sứ mạng gìn giữ hòa bình và vai trò thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Đức.
Cho tới nay, một liên minh cánh tả vẫn chỉ là lý thuyết. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây của hãng Emnid cho thấy liên minh “đỏ-đỏ-xanh” sẽ chỉ được 44% phiếu bầu. Tuy nhiên, kịch bản này đã từng là công cụ hữu hiệu để tái thống nhất phe CDU-CSU.
Ngày 31/10, lãnh đạo CSU Seehofer đã cảnh báo rằng nhiệm vụ then chốt để họ liên minh vào năm 2017, khi mà vấn đề người tị nạn đã lắng xuống, sẽ phải là “ngăn chặn mặt trận cánh tả” giành được quyền lực ở Đức.