Nhà báo Lina Sankari. |
Với số phiếu đạt được lên tới 28% trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng 1 (ngày 11/6), đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc nắm giữ đa số ghế tại Hạ viện trong vòng 2, diễn ra ngày 18/6 tới.
Nếu như trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, nhiều người Pháp miễn cưỡng bầu cho ông Macron để ngăn ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen chiến thắng, giờ đây, họ đã dần bị thuyết phục bởi màn thể hiện xuất sắc của vị tân Tổng thống. Chiến thắng của Đảng Tiến bước đánh dấu một sự thay đổi tại Pháp, khi cử tri nước này đã an tâm hơn trong việc đặt niềm tin vào thế hệ lãnh đạo trẻ và các đảng phái độc lập.
Làn gió mới trên chính trường
Theo bà Sankari, việc Đảng Tiến bước - một đảng trung dung chỉ mới ra đời đầu năm 2016, giành được số phiếu áp đảo, là lời cảnh báo của dư luận Pháp tới các đảng truyền thống. Những “lão làng” của nền chính trị Pháp như Đảng Cộng hoà và Đảng Xã hội đều thất bại vì những chính sách thiếu hiệu quả trong giai đoạn cầm quyền của cựu Tổng thống Francois Hollande cũng như tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Đảng Tiến bước - dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Macron, đã nhận được sự ủng hộ xuất phát từ mong muốn cải cách của người dân, cũng như vì những chính sách hiệu quả của ông khi còn làm Bộ trưởng Kinh tế. “Luật Macron” mà ông soạn thảo dưới thời Hollande đã xóa bỏ các chế tài và ưu đãi độc quyền, làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế Pháp.
Bên cạnh đó, đảng của ông Macron đã đưa những gương mặt mới, với tuổi đời còn trẻ, tham gia tranh cử Hạ viện. Những ứng cử viên không hoặc có ít kinh nghiệm chính trị này hứa hẹn là làn gió mới cho đường lối chính sách truyền thống của Pháp. Người dân xứ Gaul đang khao khát sự thay đổi và Đảng Tiến bước chính là điều họ cần.
Bà Sankari cũng tin rằng việc thay đổi quá trình bầu cử năm 2001, đưa bầu cử Hạ viện diễn ra sau bầu cử Tổng thống, cũng tạo lợi thế đáng kể cho Tổng thống đắc cử. Nhiều chuyên gia nhận định Đảng Tiến bước sẽ tiếp tục đà chiến thắng của mình và giành tới 70% số ghế trong Quốc hội - tỷ lệ chưa từng có ở Nền Cộng hòa thứ Năm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi bỏ phiếu ở Le Touquet, tỉnh Pas-de-Calais. (Nguồn: Reuters) |
Trái ngược với Đảng Tiến bước, số ít các ứng cử viên cánh tả sẽ rất khó khăn để cải thiện vị thế khi chỉ còn vài ngày nữa là tới cuộc bầu cử Quốc hội vòng 2. Trong khi đó, cánh hữu cũng nhiều khả năng sẽ không đủ sức cạnh tranh với các ứng cử viên thuộc đảng của ông Macron.
Tiến bước như hẹn ước
Tuy nhiên, bà Sankari cho rằng thành công của Đảng Tiến bước không phản ánh chính xác tình trạng của nước Pháp hiện nay. Chiến thắng đương nhiên của ông Macron một phần đến từ việc ông là ứng cử viên duy nhất đối lập với Đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) và trên thực tế, chương trình nghị sự mà ông đưa ra không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn. Việc chỉ có 50% người dân Pháp tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng 1, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua, cũng đặt nhiều nghi vấn về sự ủng hộ thực sự của người dân xứ Gaul dành cho nhà lãnh đạo của mình.
Quan trọng hơn, các nhà lãnh đạo của Đảng Tiến bước cũng cần nhìn nhận chiến thắng của họ mới chỉ là khởi đầu. Đảng Tiến bước là tập hợp của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội chứ không chỉ gồm những người có học thức (tầng lớp lao động có chuyên môn và tri thức), dân thành thị và tầng lớp trung lưu. Đáng chú ý, ông Macron không giành được nhiều ủng hộ của tầng lớp công nhân và viên chức, do đó nhà lãnh đạo Pháp chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc đạt đồng thuận về chương trình nghị sự của mình. Chính phủ của vị Tổng thống 39 tuổi cũng cần thận trọng trong việc triển khai bộ luật tự do hóa thị trường lao động để không “chọc giận” các tổ chức công đoàn.
Cuối cùng, bất chấp chiến thắng lịch sử của Đảng Tiến bước và nhiều khả năng giành được quyền kiểm soát Quốc hội, nhiều người vẫn cho rằng ông Macron thiếu kinh nghiệm lãnh đạo để trở thành người đứng đầu quốc gia. Theo cây bút của L’Humanité, điều này sẽ đòi hỏi vị Tổng thống Pháp cần thể hiện bản thân thông qua điều chỉnh chính sách trên các mặt kinh tế, xã hội và chính trị, mà trước hết là xóa bỏ một số chính sách thắt lưng buộc bụng, ngay cả khi điều đó tác động tới những nhóm người nghèo nhất trong xã hội.
Chỉ còn vài ngày nữa là tới cuộc bầu cử Quốc hội vòng 2 tại Pháp. Trong khi nhiều khả năng Đảng Tiến bước sẽ tiếp nối đà chiến thắng để giành thế đa số tại Hạ viện, ông Macron cùng đảng của mình cần tận dụng những lợi thế mà người tiền nhiệm Hollande không có được để triển khai chương trình nghị sự của mình, đưa xứ Gaul tiến bước đúng như những gì ông từng hẹn ước.