Nước là chìa khóa sản xuất lương thực và năng lượng
Các vấn đề liên quan đến nước đã trở thành một chủ đề quan trọng được thảo luận trong các chương trình nghị sự toàn cầu, trong đó có việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) tới năm 2015 và đề ra chương trình nghị sự cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) sau 2015 tại Liên hợp quốc, các diễn đàn khu vực và quốc tế. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, khoảng 40% dân số trên thế giới sinh sống trong các lưu vực sông liên quốc gia và con số này còn lớn hơn nếu tính cả những lưu vực liên tỉnh, liên địa phương. Phát triển và quản lý bền vững tài nguyên nước lưu vực sông cũng như lợi ích từ hợp tác thượng – hạ nguồn giữa các quốc gia hoặc các địa phương là hết sức quan trọng.
Các Tổ chức lưu vực sông quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và quản lý nguồn tài nguyên nước chung, cũng như lợi ích từ sự hợp tác giữa các quốc gia thượng và hạ nguồn sông. Quản lý nguồn nước một cách sáng suốt đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi nó không chỉ xây dựng và tăng cường khả năng chống chịu đối với tác động của nước biển dâng hay sự biến động khắc nghiệt của khí hậu. Nó còn là chìa khóa đối với sản xuất lương thực và năng lượng. Điều này càng cho thấy rõ tầm quan trọng của một cách nhìn bao trùm về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực. Vấn đề càng đặc biệt quan trọng khi nguồn nước được chia sẻ để bảo đảm lợi ích đầy đủ cho tất cả các bên.
Ông Benedito Braga -Giám đốc Hội đồng Nước thế giới phát biểu. |
Hợp tác vì An ninh Nguồn nước, Năng lượng và Lương thực
Sau hai ngày làm việc (2-3/4) sự kiện quan trọng trước thềm Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của MRC (ngày 5/4 2014), Hội nghị Quốc tế với chủ đề “Hợp tác vì An ninh Nguồn nước, Năng lượng và Lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở các lưu vực sông xuyên biên giới" tại TP. Hồ Chí Minh đã kết thúc tốt đẹp. Hơn 300 đại biểu, gồm nhiều Giám đốc điều hành, đại diện cấp cao của gần 20 tổ chức lưu vực sông quốc tế ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, đại diện lãnh đạo của gần 20 tổ chức quốc tế và khu vực, đã tập trung thảo luận những vấn đề đang “nóng” không chỉ ở riêng một quốc gia nào, hay một khu vực nào.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam john Nielsen phát biểu. |
Vấn đề phát triển bền vững và cách tiếp cận đồng thời chuỗi liên kết nước – năng lượng – lương thực là cách tiếp cận tiên tiến, toàn diện, để giúp giải quyết một cách đầy đủ, đa ngành, đa lĩnh vực các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Cách tiếp cận toàn diện này hết sức quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, lấy nước là trọng tâm, đặc biệt là ở các lưu vực sông xuyên biên giới.
Cuối cùng, lợi ích của việc hợp tác theo cách tiếp cận đồng thời nước – năng lượng – lương thực trong các lưu vực sông xuyên biên giới sẽ giúp biến thách thức thành cơ hội trong sử dụng và quản lý tài nguyên nước. Các hiệp định, thỏa thuận, các cơ chế, thể chế hợp tác, y chí hay cam kết chính trị cần kết hợp chặt chẽ với hợp tác kỹ thuật, cùng với sự tham gia tích cực của các bên liên quan là hết sức cần thiết.
Ông Fritz Holzwarth, Bộ Môi trường bảo tồn Thiên nhiên xây dựng và an toàn hạt nhân Đức. |
Nước - động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế
Kết thúc Hội nghị đã thông qua Tuyên bố khẳng định nước và quản lý tài nguyên nước là các yếu tố trụ cột và là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế; nhấn mạnh các thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực ở các lưu vực sông quốc tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức đó.
Đây là những vấn đề mà lưu vực sông Mekong và các lưu vực sông khác trên thế giới đang phải đối mặt và không thể giải quyết một cách riêng rẽ, độc lập bởi từng quốc gia, mà cần phải có sự hợp tác chặt chẽ cũng như cam kết chính trị cao nhất của tất cả quốc gia trong lưu vực. Các lưu vực sông quốc tế cần cân nhắc áp dụng cách tiếp cận mới về lồng ghép mối liên kết nước - năng lượng - lương thực trong quy hoạch phát triển và quản lý lưu vực với tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Cách tiếp cận này đóng vai trò hết sức quan trọng góp phần hoàn thành thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc cũng như xây dựng các mục tiêu liên quan đến tài nguyên nước của Chương trình Nghị sự toàn cầu sau năm 2015 về Phát triển Bền vững.
Kết quả và khuyến nghị chính trong hai ngày Hội nghị quốc tế sẽ được chuyển tới Hội đồng các Bộ trưởng của MRC ngày 4/4 để xem xét, báo cáo lên các nhà Lãnh đạo cấp cao tại Hội nghị Cấp cao của Ủy hội vào ngày 5/4/2014. Các kết quả và thông điệp của Hội nghị cũng sẽ được chuyển tới Hội nghị lần thứ 21 (COP21) năm 2014 tại Paris để các bên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, xem xét trong đàm phán tiếp theo về nội dung của Nghị định thư Kyoto. Để phổ biến rộng rãi những kết quả của Hội nghị quốc tế lần này, một Xuất bản phẩm sẽ được phát hành tại Tuần lễ Nước Thế giới tại Stockholm, Thụy Điển, tháng 9/2014. Các tổ chức quốc tế-các nhà tài trợ sẽ chuyển tải kết quả hội nghị tới các bên liên quan toàn cầu.
Trúc Anh