📞

'Nút thắt cổ chai' trên chặng đường phục hồi kinh tế Mỹ

Linh Chi 19:30 | 25/05/2021
Hơn một năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi hoàn toàn. Nhưng để đạt được cột mốc đó vẫn là điều không hề dễ dàng.
Kinh tế Mỹ đang trên đường phục hồi hoàn toàn so với mức trước đại dịch Covid-19. (Nguồn: 123rf)

Chỉ số Back-to-Normal của CNN Business cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã đi được 90% chặng đường phục hồi trở lại như trước khi đại dịch bắt đầu. Tuy nhiên, việc lấy lại 10% cuối cùng sẽ vô cùng khó khăn.

Nỗ lực tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang diễn ra và người tiêu dùng một lần nữa đang chi tiền cho việc ăn uống và đi lại.

Nhà kinh tế học Edelberg cho hay: “Tôi lạc quan về những gì phía trước”. Nhà kinh tế này hy vọng, các khoản tiết kiệm tích lũy của hộ gia đình và nhu cầu bị dồn nén sẽ được giải phóng trong những tháng tới khi đại dịch được kiểm soát ở Mỹ.

Tuy nhiên, những nghi ngờ về đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đã xuất hiện kể từ tháng 5/2021.

Cục Thống kê Lao động (BLS) thông báo, chỉ có 266.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng Tư. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ở mức 6%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng lên 4,2%, đạt mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2008. Chỉ số giá sản xuất cũng tăng vọt lên mức kỷ lục là 6,2%.

Khoảng cách trên thị trường lao động

Hiện tại, thị trường lao động đang trong giai đoạn phục hồi khó khăn. Nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn thiếu hàng triệu việc làm so với mức trước đại dịch. Bên cạnh đó, nhiều công nhân cũng đang cảm thấy do dự khi quay trở lại làm việc.

So với trước đại dịch, Mỹ vẫn có ít hơn hàng triệu việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp cho biết, họ không thể tìm được lao động.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, dù hầu hết các công việc sẽ quay trở lại nhưng một số có thể sẽ biến mất vĩnh viễn.

Theo Bloomberg, việc đưa khoảng 10 triệu người trở lại làm việc sẽ mất nhiều thời gian và một số nhà tuyển dụng phải tranh giành người lao động trong bối cảnh nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng.

Các bang bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề - bao gồm New York, Nevada và Hawaii - vẫn đang dẫn đầu tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc là 6,1%.

Tính đến tháng 4/2021, Mỹ vẫn thiếu 8,2 triệu việc làm so với tháng 2/2020, trước khi đại dịch xảy ra. Riêng lĩnh vực khách sạn và giải trí - vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp giãn cách xã hội, hiện đang tích cực tuyển dụng nhân lực - vẫn giảm 2,8 triệu việc làm.

Theo dữ liệu từ LinkedIn, các vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và bất động sản đang tăng vọt. Lãi suất thế chấp thấp đã thúc đẩy sự bùng nổ bất động sản phân khúc nhà ở trên toàn quốc.

Trong khi đó, các giám đốc điều hành trong ngành sản xuất phàn nàn rằng, họ không thể tìm được công nhân lành nghề.

Các doanh nghiệp lớn trên khắp các lĩnh vực đang nỗ lực thu hút nhân viên bằng cách tăng lương.

Nhưng các đảng viên Đảng Cộng hòa lập luận rằng, trợ cấp thất nghiệp là lý do khiến người lao động tiếp tục ở nhà, thay vì đi tìm việc.

Ngoài ra, người lao động hiện đang cân nhắc những rủi ro khi quay lại công việc có thể khiến họ hoặc người thân của họ nhiễm virus SARS-CoV-2 vì hiện tại, đại dịch vẫn còn tiếp diễn trên khắp đất nước.

Phụ thuộc vào người tiêu dùng

Chi tiêu của người tiêu dùng cung cấp “nhiên liệu” cho hơn 2/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia, là thước đo rộng nhất của hoạt động kinh tế.

Người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang chi nhiều tiền hơn, đặc biệt là vào các nhà hàng và hoạt động du lịch.

Hiện tại, để nền kinh tế tiếp tục phục hồi, người tiêu dùng phải tiếp tục chi tiêu. Việc liên tục tung ra các gói kích thích kinh tế quy mô khủng và tăng cường trợ cấp thất nghiệp của Washington đã giúp giải quyết vấn đề đó.

Nhưng dữ liệu từ Cục phân tích kinh tế Mỹ cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm của quốc gia này vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

Nỗi lo dường như đã tăng lên gấp đôi. Mọi người cần chi tiêu thay vì tiết kiệm để giúp đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Và sự phục hồi trong chi tiêu, cùng với các yếu tố khác bao gồm tăng giá nguyên vật liệu tăng cao cũng đang thúc đẩy lạm phát tăng vọt.

Một số nhà kinh tế lo ngại rằng, giá cả tăng quá nhanh sẽ không khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu. Đó sẽ là một tin rất xấu cho sự phục hồi kinh tế Mỹ.

Theo quan điểm của nhà đầu tư, cổ phiếu vẫn ở gần mức cao kỷ lục. Nhưng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố, lạm phát là một vấn đề quá đáng lo ngại, thì ngân hàng trung ương có thể thay đổi chính sách lãi suất gần bằng 0 và chấm dứt sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.

Thêm vào các “nút thắt cổ chai” của chặng đường phục hồi kinh tế Mỹ là hàng hóa đang bị thiếu hụt và cung không đủ cầu. Đây là bằng chứng cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của kinh tế Mỹ trước những cú sốc không lường trước được.

Bên cạnh đó, kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Joe Biden nhằm tạo ra hàng triệu việc làm trong gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ USD phải đối mặt với những rào cản lớn ở cả cấp liên bang và tiểu bang trước khi gói này chính thức có hiệu lực.

(theo CNN)