Hàng loạt ngân hàng ồ ạt báo lãi trong quý I/2021. (Nguồn: BIDV) |
Ngân hàng dồn dập báo lãi
Mới đây, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - mã KLB) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 702,6 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 57 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2020.
Theo Tổng Giám đốc Kienlongbank Trần Tuấn Anh, có được lợi nhuận tăng trưởng mạnh này là do trong quý vừa qua, ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (STB) theo phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Báo cái tài chính quý I/2021 cho thấy, tổng tài sản hợp nhất của Kienlongbank đạt 61.942 tỷ đồng, tăng 8,14% so với năm 2020; tổng nguồn vốn huy động đạt 55.933 tỷ đồng, tăng 7,42% so với năm 2020. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 35.747 tỷ đồng, tăng 2,97% so với năm 2020.
Tính đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank là 1,19%, giảm 3,22% so với tỷ lệ nợ xấu ngày 31/12/2020. Lãi phải thu là 509 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi phải thu/tổng tài sản là 0,82% và tỷ lệ lãi phải thu/tổng dư nợ là 1,42%.
Kết quả kinh doanh quý I/2021 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã VPB) cũng mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 436.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cuối năm 2020. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank quý đầu tăng trưởng mạnh ở mức 37,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4.000 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên lợi nhuận ngân hàng cán mốc này ở ngay quý đầu năm. Có được kết quả trên, theo VPBank là nhờ vào đa dạng hóa doanh thu, tăng trưởng tín dụng hợp lý, giảm thiểu chi phí vốn và tối ưu hóa chi phí hoạt động.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, VPBank tiếp tục củng cố các chỉ tiêu an toàn hoạt động, tăng cường quản trị rủi ro và kiểm soát chất lượng tài sản. Hoạt động kiểm soát và xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực.
Đến cuối quý I/2021, tỷ lệ nợ xấu của VPBank được quản lý ở mức 3%. Bên cạnh đó, thu nhập từ nợ đã xử lý cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng trưởng là 56% tại ngân hàng hợp nhất với số tuyệt đối tương đương 705 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank - mã: VBC), ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng cho biết, trong năm 2021 ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất 11%; trong đó, riêng ngân hàng mẹ là 25.000 tỷ.
Hết quý I/2021, lợi nhuận của ngân hàng đã đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2021 ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tín dụng 3,7% với quy mô tín dụng cao nhất hệ thống. Với nền tảng này, năm nay chắc chắn Vietcombank sẽ đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận.
Triển vọng lạc quan
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (mã KIS), sau kết quả kinh doanh quý I/2021 báo lãi dồn dập, các ngân hàng ồ ạt tổ chức đại hội cổ đông. Những thông tin về tài liệu họp đại hội cổ đông hoặc định hướng từ ban điều hành cho thấy, các ngân hàng dường như khá lạc quan về triển vọng năm 2021 với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao, chất lượng tài sản và lợi nhuận tốt hơn.
Cụ thể, các ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (mã: VIB), Ngân hàng TMCP Hàng hải (mã - MSB), Ngân hàng quân đội (mã: MBB) và KLB dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình ngành (theo chỉ thị gần nhất của Ngân hàng Nhà nước cho năm 2021 là 12%) với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 20% đến 30%.
Báo cáo nghiên cứu của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cũng ghi nhận, ngành ngân hàng đang ở vị thế tốt để chống đỡ những biến động lớn về nền kinh tế nhờ cả yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại.
Về yếu tố bên ngoài, BSC kỳ vọng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, các doanh nghiệp và cá nhân bắt đầu quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng, từ đó giảm bớt rủi ro về nợ xấu trong thời gian tới.
Với kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021, các chuyên gia BSC cho rằng, tốc độ tăng trưởng nợ xấu của các ngân hàng sẽ giảm, từ đó giảm áp lực trích lập dự phòng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đã xử lý xong nợ bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) trong năm 2020 (BID, CTG, MSB) và cũng được giảm áp lực trích dự phòng từ các khoản nợ này trong năm 2021. Ngoài ra, các khoản nợ tái cơ cấu không phải vấn đề lớn trong năm 2021.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thông tư 03 sẽ có hiệu lực từ ngày 17/5/2021. Theo đó, có 2 nội dung thay đổi chính có tác động lớn tới ngành ngân hàng trong giai đoạn sắp tới bao gồm: mở rộng phạm vi các khoản dư nợ được phép giữ nguyên nhóm nợ, lên lộ trình trích lập dự phòng rủi ro 3 năm cho các khoản nợ tái cơ cấu.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với việc cho phép cơ cấu các khoản nợ phát sinh trong giai đoạn từ 23/1/2020 đến 10/6/2020, các ngân hàng có thể xem xét mở rộng lượng dư nợ tái cơ cấu với thời hạn giãn nợ tối đa 12 tháng. Bên cạnh đó, việc kéo giãn thời hạn trích lập cho lượng dư nợ tái cơ cấu đến hạn đồng loạt trong năm 2021 sẽ giúp các ngân hàng tránh được tình trạng chi phí trích lập dự phòng tăng đột biến trong một khoản thời gian ngắn.
Nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng nhận định, việc ban hành Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại. Việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.
Các chuyên gia đến từ VNDIRECT phân tích, việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu dần trong 3 năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021. Với việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các ngân hàng thương mại có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn, và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng lợi nhuận quý I/2021 chưa phản ánh đầy đủ, chính xác xu hướng lợi nhuận của cả năm.
Tuy nhiên, hầu hết các phân tích đều kỳ vọng năm 2021 lợi nhuận ngân hàng sẽ khả quan. Các chuyên gia BSC cũng kỳ vọng năm 2021 mặt bằng lãi suất thấp giúp kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Việc giữ vững mặt bằng lãi suất hiện tại sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thêm nguồn vốn để phục hồi, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2021.
BSC cho rằng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021, mặt bằng lãi suất đi ngang, tiết giảm chi phí hoạt động và giảm áp lực chi phí dự phòng.
Theo các chuyên gia, làn sóng chuyển sàn và niêm yết giúp tăng sự quan tâm của nhà đầu tư. Theo lộ trình vào năm 2021, nhiều ngân hàng phải niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Việc này sẽ giúp tăng quy mô toàn bộ thị trường cho ngành ngân hàng.
Việc chuyển sàn giúp công bố thông tin minh bạch và kịp thời hơn. Đồng thời, gia tăng thanh khoản cho cổ phiếu, từ đó giúp các ngân hàng chuyển sàn có mức định giá cao hơn trước đây.