Nếu được hỏi thủ đô của Angola là gì, câu trả lời không hề khó, dù nó có nằm sẵn trong đầu bạn hay không. Chỉ cần mở điện thoại, mở chương trình Tìm kiếm trên Google và đọc câu hỏi, ngay lập tức một giọng nói sẽ trả lời “Luanda”. Không chỉ vậy, với công nghệ hiện đại, nhưng câu hỏi như: Bạn đã ở đâu vào đêm 8/2/2010? Tên và địa chỉ email của tất cả những người mà bạn quen hiện đang sống ở thành phố New York? Công thức chính xác của loại bánh ngọt mà bạn yêu thích? Giải pháp của Evernote, một ứng dụng lưu trữ hình ảnh các khuôn mặt cùng thông tin về thời gian, địa điểm khi bạn gặp họ cũng như hồ sơ liên quan sẽ giúp bạn giải đáp.
Bộ não của chúng ta rất giỏi lưu trữ và lấy những thông tin quan trọng, như nụ cười của một người nào đó mà chúng ta yêu thương hoặc mùi của một thực phẩm làm chúng ta phát ốm, một nhà nghiên cứu giải thích. Nhưng những thông tin đó dễ bị “nhiễu” nếu liên quan đến những chi tiết trừu tượng như tiêu đề cuốn sách chúng ta muốn đọc hoặc công việc chúng ta định thực hiện trên đường từ nơi làm việc trở về nhà.
Ý tưởng phát minh ra công cụ làm thay đổi khả năng tư duy có vẻ lạ lùng, nhưng nó thực sự là một minh chứng cho sự tiến hóa của con người. Khi tổ tiên của chúng ta phát triển ngôn ngữ, nó đã không chỉ làm chúng ta thay đổi hình thức giao tiếp mà còn tác động đến việc suy nghĩ của chúng ta. Sự ra đời của toán học, báo chí và khoa học tiếp tục mở rộng tầm suy nghĩ của con người, và đến thế kỷ 20, các công cụ như điện thoại, máy tính, và Bách khoa toàn thư Britannica đã giúp cho mọi người dễ dàng truy cập nhiều kiến thức về thế giới hơn họ có thể hấp thụ trong một đời. Nói rộng ra thì lượng thông tin này đã trở thành một phần tư duy của con người. Còn các công cụ như Google, Facebook, và Evernote có khả năng làm cho chúng ta không chỉ có nhiều kiến thức và sử dụng chúng hiệu quả hơn mà theo nghĩa đen là chúng ta đã trở nên thông minh hơn bao giờ hết.
Ý tưởng “trí não mở rộng” lần đầu tiên được đề xuất bởi hai nhà triết học Andy Clark và David Chalmers vào năm 1998. Thực chất đây là một vấn đề lâu đời mà triết học vẫn đang tìm kiếm câu trả lời là liệu có phải trí não con người chỉ giới hạn trong hoạt động sinh học hay không. Clark và Chalmers cho rằng tâm trí con người hiện đại là một hệ thống vượt ra khỏi bộ não trong việc thu nhận các tác động của môi trường bên ngoài.
Mười lăm năm sau, vào thời đại của Google, ý tưởng của trí não mở rộng đã trở thành hiện thực. Ngoài chương trình tìm kiếm cơ bản của Google, các công cụ hỗ trợ cá nhân như phần mềm Siri của Apple thu nhận rất nhanh các thông số như số điện thoại, các chỉ dẫn, hay Evernote như đã đề cập, với khẩu hiệu “Nhớ mọi thứ”. Các ứng dụng của Evernote cho phép ghi chép lại thông qua văn bản, âm thanh, video clip, các đoạn cắt từ web và lưu chúng theo tiêu đề, ngày tháng, địa điểm... vì vậy người sử dụng chỉ cần nhớ tên các đề mục. Còn các chương trình như SoundHound hoặc Shazam có thể "nghe" một bài hát phát trên radio trong vài giây và cho biết tên của ban nhạc, album cũng như toàn bộ lời bài hát. Chương trình Checkmark có thể nhận biết thời điểm bạn lái xe di qua bưu điện và “nhắc” bạn ghé vào gửi bưu phẩm theo dự định. Trí nhớ của bạn đang tốt hơn bạn nghĩ.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà phê bình cảnh báo rằng Internet đang làm cho chúng ta lười biếng, ngu ngốc, cô đơn, hoặc điên khùng hơn dù thực tế hình ảnh quét não cho thấy rằng việc tìm kiếm trên Google cũng kích thích nhiều phần não hoạt động hơn so với khi đọc một cuốn sách. Tiếp đó là vấn đề về tính tin cậy. Các dịch vụ càng hữu ích, như Google, Facebook, Instagram, và Evernote thì rủi ro càng lớn hơn. Điều đó sẽ xảy ra khi hệ thống bị trục trặc và ảnh hưởng đến rất nhiều người khi họ chỉ dựa vào Google. Và cuối cùng là sự xâm phạm đời tư, một vấn đề ám ảnh các công ty Internet, nơi lưu giữ nhiều thông tin cá nhân. Tuần trước, tin tặc đã đánh cắp các địa chỉ email, tên tài khoản và mật khẩu mã hóa của 50 triệu người sử dụng Evernote.
Dầu vậy, các phần mềm hiện đại đó cũng mở ra triển vọng “giải phóng bộ não” để giúp con người có thể dành nhiều thời gian hơn cho các nhiệm vụ khác thay vì chỉ lưu giữ thực tế và kinh nghiệm. Nhà khoa học Albert Einstein khi không thể nhớ ra tốc độ của âm thanh từng nói: "Tôi không ghi thông tin đó trong tâm trí vì nó có sẵn trong sách vở." Nói cách khác, Internet có thể khiến giống như Einstein!
Lâm An