Phát biểu tại hội nghị Câu lạc bộ kinh tế tổ chức tại Minnesota (Mỹ), Tổng Thư ký OECD cho rằng "đã đến lúc cần chuyển từ phòng thủ sang tấn công" để đối phó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria. (Nguồn: CNN) |
Theo ông, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn đang phải đương đầu với những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008 gây ra. Điều đó cho thấy toàn cầu hóa vẫn chưa thực sự mang lại lợi ích cho tất cả, vì vậy các nền kinh tế cần hành động nhiều hơn nữa để khai thác lợi ích từ xu hướng này.
Trong đó, ông Angel Gurria đề xuất các biện pháp như tăng cường đào tạo kỹ năng, kiến tạo việc làm và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để mỗi nền kinh tế đều có thể thích ứng với những thay đổi mà toàn cầu hóa mang lại.
Đồng thời, vị lãnh đạo người Mexico cũng cảnh báo việc thiết lập các rào cản thương mại như áp thuế là một bước đi "gậy ông đập lưng ông", bởi nó sẽ đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi guồng quay, trong khi khuyến khích các doanh nghiệp lớn đưa việc làm ra nước ngoài. Vì vậy, ông Gurria nhấn mạnh cần phải theo đuổi hệ thống thương mại toàn diện trên cơ sở tự do, công bằng và cởi mở.
Phát biểu trên của người đứng đầu OECD được đưa ra trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) chuẩn bị tổ chức các cuộc họp diễn ra 6 tháng một lần tại Washington trong tuần này, với nội dung chính tập trung vào bảo vệ thương mại tự do và hợp tác đa phương. Hồi tuần trước, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng cảnh báo "lưỡi gươm bảo hộ" đang lơ lửng trên nền kinh tế toàn cầu.
Quan điểm chống tự do thương mại đang ngày càng lan rộng và xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới, như trong chiến dịch vận động bầu cử đang diễn ra tại Pháp, trong cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh hồi năm 2016 khi người Anh cuối cùng đã chọn rời Liên minh châu Âu (EU), hay ngay trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với phần thắng thuộc về nhà tỷ phú Donald Trump nhờ những cam kết bảo hộ.