Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của mình, OECD dự đoán Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia sẽ dẫn đầu các dự đoán về tăng trưởng cho năm 2023 và 2024. Tổ chức này dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, mức thấp thứ hai kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, ngoại trừ năm 2020, thời điểm bùng phát dịch Covid-19.
Nhà kinh tế Clare Lombardelli của OECD nhận định đà giảm của giá năng lượng, lạm phát, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và việc mở cửa lại của kinh tế Trung Quốc, cùng với thị trường việc làm mạnh mẽ và tình hình tài chính tương đối ổn định của các hộ gia đình là những yếu tố góp phần vào triển vọng phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Lombardelli lưu ý tốc độ phục hồi sẽ yếu hơn so với trước đây, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ cần phải vượt qua một con đường khó khăn.
OECD dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trong năm 2023 và 2024. (Nguồn: Getty) |
Ngôi sao Ấn Độ
OECD kỳ vọng trong năm nay kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6%, trong khi kinh tế Trung Quốc và Indonesia tăng trưởng lần lượt 5,4% và 4,7%.
Theo OECD, đà tăng trưởng năm 2022 của Ấn Độ sẽ tiếp tục trong năm nay, nhờ sản lượng nông nghiệp cao hơn dự kiến và chi tiêu chính phủ mạnh mẽ. OECD nói thêm rằng chính sách nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong nửa cuối năm tới sẽ giúp hỗ trợ chi tiêu của các hộ gia đình. Tổ chức này cũng hy vọng ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất nhẹ bắt đầu từ giữa năm 2024.
Bên cạnh đó, báo cáo của OECD dự kiến tỷ lệ lạm phát tại các nước thành viên khối này sẽ giảm xuống 6,6% trong năm nay, sau khi đạt đỉnh 9,4% vào năm 2022. Báo cáo cũng dự đoán Anh sẽ trải qua mức lạm phát cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển trong năm nay.
Trong số các quốc gia được chú trọng trong phân tích lạm phát của OECD, chỉ có Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có tỷ lệ lạm phát cao hơn.
Để chống lạm phát và giải quyết những mối lo ngại trước mắt đối với kinh tế toàn cầu, OECD khuyến nghị các chính phủ thực hiện 3 biện pháp sau: duy trì chính sách tiền tệ hạn chế; loại bỏ dần và hỗ trợ tài chính có mục tiêu; ưu tiên chi tiêu hỗ trợ tăng trưởng và cải cách cơ cấu thúc đẩy nguồn cung.
Tổ chức trên lưu ý hầu như tất cả các quốc gia đều có thâm hụt ngân sách và mức nợ cao hơn so với trước đại dịch. Do đó, cần có những lựa chọn cẩn thận để duy trì nguồn ngân sách khan hiếm cho các ưu tiên chính sách trong tương lai và để đảm bảo nợ bền vững.
Đà phục hồi mỏng manh
OECD cảnh báo đà phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn mong manh khi các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng trên thị trường tài chính.
Báo cáo của OECD nhấn mạnh mối lo ngại chính là những mắt xích yếu mới có thể xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng, dẫn đến mất niềm tin rộng hơn và tín dụng bị thu hẹp mạnh, đồng thời làm tăng rủi ro từ tình trạng mất cân đối thanh khoản và đòn bẩy trong các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Mặc dù các ngân hàng nói chung có thể đưa ra phản ứng linh hoạt hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây, nhưng OECD cho rằng niềm tin của thị trường vẫn còn mong manh, sau sự sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ trong thời gian qua.
Ngoài ra, mức nợ tăng cao ở các nền kinh tế tiên tiến, sau đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine cũng là những vấn đề cần lưu ý.
Theo nhà kinh tế Lombardelli, hầu hết các quốc gia đang vật lộn với thâm hụt ngân sách và nợ công cao hơn. Gánh nặng trả nợ ngày càng tăng và sức ép chi tiêu liên quan đến quá trình già hóa dân số và chuyển đổi khí hậu đang ngày càng tăng.
Tháng trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã bày tỏ những lo ngại tương tự, đồng thời khẳng định thêm rằng tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến đang cao hơn bao giờ hết.
Triển vọng châu Á vẫn sáng
OECD cho biết trong khi kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc hơn nữa, châu Á được kỳ vọng sẽ vẫn là một điểm sáng nhờ lạm phát tại khu vực này dự kiến sẽ duy trì ở mức tương đối nhẹ. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu cho khu vực.
OECD dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ ở mức 1,3%, nhờ chính sách tài khóa và lạm phát cơ bản tiếp tục tăng lên 2%. Các nhà kinh tế của Nomura mới đây nhận định các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy đây là “thời điểm để châu Á tỏa sáng”.