Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Mathias Cormann, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại cuộc tiếp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của OECD và cá nhân Tổng thư ký đã đóng góp quan trọng cho thành công của Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á và Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - OECD năm 2022.
Bộ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn, là một dấu mốc trong quan hệ hợp tác giữa OECD và Đông Nam Á; đánh giá sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nét mới, góp phần vào thành công chung của Diễn đàn.
Trong khuôn khổ Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với đồng Chủ tịch Australia thúc đẩy hợp tác giữa hai khu vực ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu bật một số định hướng phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của Việt Nam, nhất là chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá, triển khai ba đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Trên cơ sở Chương trình hành động triển khai MOU hợp tác Việt Nam - OECD giai đoạn 2022-2026, Bộ trưởng mong muốn OECD tiếp tục cung cấp những khuyến nghị chính sách giá trị cho Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, giáo dục, huy động nguồn lực phục vụ phát triển bền vững…
Bộ trưởng đánh giá việc OECD hỗ trợ Bộ Ngoại giao cử cán bộ điều phối làm việc tại OECD là hoạt động thực chất, đóng góp tích cực vào công tác đào tạo cán bộ ngoại giao làm việc trong môi trường đối ngoại đa phương.
Bày tỏ ấn tượng về thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ và chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình SEARP.
Đánh giá Diễn đàn có chủ đề rất thực chất và thu hút sự tham dự đông đảo của đại diện các nước và các tổ chức quốc tế, Tổng thư ký khẳng định, Việt Nam đã phát huy tốt vai trò cầu nối gắn kết giữa các thành viên OECD và các nước Đông Nam Á, mở ra phương hướng hợp tác mới giữa OECD và ASEAN trong thời gian tới.
Tổng thư ký khẳng định OECD và các nước thành viên sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ trưởng và Tổng thư ký nhấn mạnh việc triển khai các dự án cụ thể trong Chương trình hành động giữa Việt Nam và OECD là một trong những ưu tiên hiện nay. Đây vừa là bước đi cụ thể, vừa góp phần tạo nền tảng quan trọng để đưa hợp tác Việt Nam-OECD lên một tầm cao mới.