📞

Olympic Tokyo 2020: Tokyo 'nóng' trước giờ khai mạc; VĐV nữ Việt Nam xem 'Hương vị tình thân' để giải trí

Nga Nguyễn 16:16 | 23/07/2021
Ít giờ nữa, Olympic Tokyo 2020 sẽ chính thức khai mạc, bầu không khí náo nhiệt đang bao trùm thủ đô Nhật Bản. Thời điểm này, VĐV Việt Nam tiếp tục giữ sức cho ngày thi đấu 24/7.
Người dân tụ tâp trước cửa Sân vận động quốc gia để theo dõi lễ khai mạc Olympic Tokyo 2021. (Nguồn: TTXVN)

Không khí sôi động trước giờ khai mạc

Bất chấp thời tiết oi bức và nỗi lo dịch bệnh, hàng ngàn người từ khắp các ngả đường vẫn đang đổ về Sân vận động Quốc gia ở trung tâm Tokyo. Trước cửa sân vận động, nhiều đám đông đang tụ tập để chuẩn bị xem lễ khai mạc.

Khác với các kỳ đại hội thể thao thế giới từng diễn ra trong lịch sử, Thế vận hội mùa Hè năm nay diễn ra trong lúc dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới.

Do đó, Chính phủ Nhật Bản không cho phép khán giả nước ngoài nhập cảnh nước này để theo dõi Olympic, trong khi các nhà tổ chức không cho các khán giả trong nước vào sân để theo dõi lễ khai mạc.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tập trung ở trước cửa sân vận động để được nhìn tận mắt các thần tượng của mình diễu hành vào sân.

Anh Furusawa Yoshikata, đến từ thành phố Osaka, chia sẻ: “Là người dân Nhật Bản, chúng tôi đều mong muốn được xem trực tiếp Olympic Tokyo. Tuy không thể vào sân nhưng tôi vẫn cảm thấy rất vui với không khí ở đây trước thời điểm khai mạc Olympic.

Và tôi nghĩ, mọi người nên giữ ý thức bảo vệ bản thân bởi vì ở những nơi như thế này có rất nhiều người tập trung trong khi chúng ta không thể biết ai là người mắc Covid-19”.

Cặp vợ chồng người Ấn làm việc tại Tokyo cổ vũ cho đoàn thể thao Ấn Độ. (Nguồn: TTXVN)

Cũng cảm thấy tiếc khi không được vào sân theo dõi lễ khai mạc nhưng anh Vaishak, người Ấn Độ đang làm việc ở Tokyo, vẫn cảm thấy vui khi có mặt tại Tokyo vào thời khắc lịch sử này. Trên tay cầm biểu ngữ “Gook luck Team India” (Chúc đoàn thể thao Ấn Độ may mắn), anh Vaishak cho biết:

“Trước hết, tôi rất vui mừng khi có mặt ở Tokyo vào thời điểm này, khi mà nhiều người nước ngoài không được phép nhập cảnh Nhật Bản vì dịch bệnh. Tuy nhiên, thật không may là chúng tôi không thể vào sân vận động.

Đây là thời khắc khó khăn đối với Tokyo khi tổ chức thế vận hội này trong bối cảnh đại dịch. Do số ca mắc Covid-19 ở Tokyo đang tăng nên nhiều người sợ hãi. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều người đang tụ tập ở đây. Đó là một bầu không khí sôi động”.

VĐV cử tạ Hoàng Thị Duyên tập luyện chuẩn bị bước vào thi đấu hạng cân 59 kg của nữ. (Nguồn: Ngôi sao)

VĐV Olympic Việt Nam xem phim khi rảnh rỗi

Sinh hoạt bị hạn chế vì Covid-19, các VĐV Việt Nam giải trí bằng cách xem phim, tám chuyện sau những giờ tập luyện vất vả.

Tại Olympic Tokyo 2021, thành viên tất cả các đoàn đều phải sinh hoạt theo mô hình "bong bóng khép kín" để hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Chính vì thế, hoạt động hàng ngày của 18 VĐV đoàn thể thao Việt Nam chỉ là tập luyện, ăn uống và nghỉ ngơi.

Ngoài giờ tập luyện, các VĐV dành một khoảng thời gian ngắn để giải trí.

Thú vui duy nhất của các VĐV nữ đội tuyển rowing và boxing là xem những bộ phim truyền hình đang thu hút nhiều sự chú ý như Hương vị tình thân hay Mùa hoa tìm lại rồi bàn tán sôi nổi về diễn biến phim, các nhân vật.

Với các VĐV nam, món ăn tinh thần của họ là xem phim hài hoặc các trào lưu mới nổi trên mạng xã hội rồi cười đùa vui vẻ trước khi đi ngủ...

Tối nay 23/7, lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức trên SVĐ quốc gia Tokyo, Nhật Bản.

Theo quy định của ban tổ chức, 18 VĐV Việt Nam thi đấu tại Olympic cùng 6 cán bộ đoàn sẽ tham gia lễ diễu hành. Tuy nhiên, nhiều VĐV đã xin không tham gia để giữ sức cho các cuộc tranh tài, diễn ra vào ngày mai 24/7.

Do việc tham gia diễu hành tại lễ khai mạc mất khá nhiều thời gian (khoảng 7 tiếng, từ quá trình chuẩn bị đến khi kết thúc) nên các HLV, cán bộ đoàn được cử đi thay để VĐV có thêm thời gian nghỉ ngơi.

Riêng hai VĐV Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội) và Quách Thị Lan (điền kinh) chắc chắn phải có mặt vì được giao nhiệm vụ cầm cờ diễu hành.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong làng VĐV, mục tiêu cao nhất của đoàn thể thao Việt Nam là đảm bảo an toàn cho các VĐV, HLV. Về chuyên môn, dù khó khăn, vẫn đặt mục tiêu giành thành tích cao nhất, quan trọng là vượt qua chính mình.

(tổng hợp)