Tony Iniguez, vận động viên Mỹ tham dự cuộc đua 1.500 mét xe lăn tại Paralympic ở Bắc Kinh, chỉ là một trong số rất nhiều vận động viên chỉ trích Ủy ban Olympics Hoa Kỳ (U.S.O.C) vì ủy ban này hỗ trợ tài chính và ưu đãi cho các vận đông viên Paralympic ít hơn so với cho các vận động viên Olympic thi đấu các môn tương ứng. Tiền trợ cấp luyện tập hàng quí và thưởng khi được huy chương của vận động viên Paralympic thấp hơn. Các ưu đãi như bảo hiểm y tế miễn phí – nhằm giúp các vận động viên có thể dành nhiều thời gian hơn cho tập luyện – chỉ dành cho một số lượng nhỏ vận động viên.
Những vận động viên tham dự Paralympic Mỹ cho rằng nguyên nhân của thất bại và không giành được huy chương là họ phải thi đấu với những vận động viên của các nước đối xử với vận động viên bình thường và vận động viên khuyết tật như nhau, trong đó có Canada và Anh.
Iniguez, một giáo viên 37 tuổi dạy nghệ thuật trong trường cấp ba, nói rằng vì anh phải làm việc toàn thời gian để có bảo hiểm y tế cho cả gia đình và hầu như không được U.S.O.C giúp đỡ gì nên anh sẽ phải thi đấu ở Bắc Kinh mà không kịp luyện tập nghiêm túc.
“Tôi sẽ làm hết sức mình, tin tôi đi – nhưng tôi không thể không tự hỏi liệu mình có thể làm gì nếu có cơ hội luyện tập kỹ càng trong bốn năm qua,” anh nói. Iniguez nói thêm rằng việc hỗ trợ các vận động viên khuyết tật tương đương [với vận động viên bình thường] cũng hợp lý như cuộc cải cách cho phép phụ nữ thi đấu thể thao. “Nam và nữ, bạn có định phân biệt đối xử dựa trên giới tính không? Chuyện đó giờ không còn nữa. Chúng ta không trả lương phụ nữ thấp hơn.”
Khi Iniguez và hai vận động viên xe lăn khác (đã giải nghệ) đệ đơn kiện, Tòa Sơ thẩm và Tòa Phúc thẩm Liên bang phán quyết rằng U.S.O.C. không phạm pháp khi trả lương các vận động viên bình thường và khuyết tật khác nhau. Iniguez đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Nhưng ngay cả thẩm phán của Tòa Sơ thẩm, người phán quyết chống lại Iniguez hồi năm 2006 cũng viết: “Liệu tôi có thẳng thắn chỉ trích quan niệm khiến cho vận động viên Paralympic chỉ nhận được ưu đãi ‘loại hai’ từ U.S.O.C., về chất lượng và số lượng không? Chắc chắn là có.”
Bội thu
U.S.O.C. chỉ ra rằng hỗ trợ tương đương cho các vận động viên Paralympic là không thực tế vì tổ chức này hầu như không được chính phủ giúp đỡ, và các thành công ở Paralympic không giúp họ tăng doanh thu nhiêu.
Darryl Seibel, giám đốc truyền thông của U.S.O.C., cũng nhấn mạnh rằng mức hộ trợ của họ dành cho vận động viên khuyết tật đã tăng đáng kể: từ 3 triệu USD vào năm 2004 lên 11.4 triệu USD vào năm nay. Ngược lại, quĩ cho Olympic nhìn chung không tăng nhiều.
“Tôi thấy 3 triệu tăng thành 11 triệu và nói rằng như thế thật không quá tệ - đó là một hướng tốt,” Seibel nói. “Chưa bao giờ chúng tôi quan tâm tới Paralympic hơn bây giờ.”
Vận động viên Olympic ở Mỹ thường được hai tổ chức tài trợ là U.S.O.C. và cơ quan chính phủ phụ trách môn thể thao họ chơi. Vận động viên Paralympic chỉ được U.S.O.C tài trợ.
Darryl Seibel (thừ hai từ trái qua) |
Dù rất khó so sánh trực tiếp vì các chương trình rất khác nhau nhưng hầu như tất cả các loại trợ cấp mà vận động viên khuyết tật nhận được đều thua kém so với vận động viên Olympic tương đương.
Ví dụ, hồi năm 2007, thành viên của đoàn điền kinh Paralympic Mỹ được hưởng lương từ 1.000 đến 2.000 USD, chỉ để hỗ trợ chi phí tập luyện; các vận động viên Olympic thì được từ 10.000 đến 15.000 USD. Cơ hội thuê phòng và đăng ký tập luyện toàn thời gian ở Colorado Springs và Chula Vista, California (các trung tâm thể thao lớn) thường rộng mở với vận động viên Olympic hơn là Paralympic. Vận động viên môn xe lăn hoàn toàn không có chương trình tập luyện.
Nhìn chung, các qui định để một vận động viên khuyết tật nhận được bảo hiểm y tế của U.S.O.C. khắt khe hơn so với vận động viên Olympic. Theo U.S.O.C., năm 2007, có 174 bảo hiểm y tế được cấp cho các vận động viên Paralympic trong khi đội tuyển tới Bắc Kinh có 200 người; tuyển Olympic có tới 1.150 suất bảo hiểm, đủ cho hai lần đội hình 600 người đi Bắc Kinh. Hầu hết các vận động viên khi được phỏng vấn đều khẳng định rằng có bảo hiểm y tế mà không phải làm việc toàn thời gian là con đường chính dẫn tới luyện tập hiệu quả.
Khoảng cách tiền thưởng
Chênh lệch lớn nhất về tài trợ cho vận động viên Paralympic và Olympic, theo nhiều người, là trong tiền thưởng cho những vận động viên đoạt huy chương. Người đoạt huy chương vàng Olympic ở Bắc Kinh nhận được 25.000 USD tiền thưởng từ U.S.O.C. và thường được cơ quan chính phủ quản lý môn thể thao của họ thưởng thêm. Vận động viên đoạt huy chương vàng Paralympic thì được 5000 USD. U.S.O.C. chi 1.85 triệu USD tiền thưởng trong năm 2007 và chính ông Seibel xác nhận trong số đó không có xu nào cho vận động viên khuyết tật.
Huấn luyện viên danh tiếng người Mỹ Peter Eriksson thì chuyển sang làm cố vấn cho đội điền kinh Paralympic Canada. Ông cho biết đã bỏ công việc ở tuyển điền kinh Paralympic Mỹ hai năm trước vì “tôi chẳng thể làm nổi việc của mình”.
“Ở Mỹ, các vận động viên cũng quyết tâm tương đương [như ở Canada], nhưng họ không được hưởng các dịch vụ họ cần để có thể thi đấu ở cấp chuyên nghiệp,” Eriksson nói. “Rất nhiều vận động viên không qua nổi vòng loại. Họ có tiềm năng lớn nhưng rồi tiềm năng ấy thui chột dần.”
Iniguez nói anh tự hỏi liệu mình có phải một trong số đó hay không. Đôi chân bị bệnh bại liệt hủy hoại từ năm 2 tuổi và phải đi bằng nạng, Iniguez là một ngôi sao sáng trong môn đua xe lăn hồi thập niên 1990. Anh bỏ lỡ Paralympic 2000 vì không thể bỏ việc ở trường trung học Aurora East.
Iniguez cho biết anh tham gia thi đấu điền kinh Paralympic năm nay “chỉ để xem tôi còn làm được gì”. Anh thắng ở nội dung 1500 mét – một nội dung của môn xe lăn – và giành được một suất trong đội tuyển Mỹ.
Iniguez và hai vận động viên xe lăn hàng đầu nước Mỹ là Scot Hollonbeck và Jacob Heilveil làm đơn kiện U.S.O.C. phân biệt đối xử 5 năm trước. Ủy ban này đã thắng trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm với lý lẽ rằng Olympic và Paralympic khác xa nhau, và bất kỳ ai giành được suất thi đấu Olympic đều sẽ được trợ cấp ở mức cao nhất, dù có tàn tật hay không.
Thi đấu mà không chuẩn bị
Với đơn kiện đang chờ Tòa án Tối cao phán quyết, Iniguez rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười: thi đấu vì đội tuyển mà mình đang kiện.
“Tôi không làm điều này vì lợi ích cá nhân,” Iniguez nói. “Tôi làm thế để thể thao tốt hơn với những vẫn đọng viên tương lai.”
Thành tích của Mỹ ở Paralympic đã giảm đáng kể trong 20 năm qua. Họ giành 12% số huy chương vào mùa hè 1988 và 1992, nhưng năm 2004, họ chỉ giành 5.6% số huy chương, thua xa Trung Quốc (9%) và ngang hàng với Úc (6.4%), Anh (6.1%), Đức (5%), Canada (4.7%) và Tây Ban Nha (4.5%) – những nước có dân số thua xa nước Mỹ.
Liz Nicholl, giám đốc thể thao chuyên nghiệp Anh, cho rằng cách đãi ngộ vận động viên khuyết tật của Mỹ là nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt hậu này. “Tôi có thể nói rằng quốc gia này đang tự lựa chọn thi đấu kém,” bà nói.
Mỗi quốc gia có một hệ thống các dịch vụ và kế hoạch tài chính hỗ trợ Paralympic khác nhau. Chẳng hạn Anh và Canada trợ cấp sống và luyện tập khoảng 18.000 đến 50.000 USD hàng năm nếu vận động viên đạt đẳng cấp quốc tế, không cần biết có tham gia thi đấu Olympic hay Paralympic hay không. Chính sách y tế của Canada miễn phí bảo hiểm y tế cho vận động viên thi đấu vì quốc gia. Còn Anh thì cấp bảo hiểm y tế đặc biệt cho các vận động viên Olympic và Paralympic.
“Điều cốt yếu là bạn là một thành viên của cùng một tổ chức, có cùng mục tiêu thi đấu, vậy dĩ nhiên là bạn sẽ nhận được các dịch vụ tương đương,” Rob Needham, phó chủ tịch Ủy ban Paralympic Canada, nói. “Vận động viên Paralympic cũng cùng một đội với vận động viên Olympics. Họ là người một nhà.”
Nhiều vận đông viên cho rằng đang có động lực theo kiểu “gà và trứng”: U.S.O.C. chờ cho Paralympic mang lại nhiều lợi nhuận hơn, nhưng lợi nhuận sẽ không tăng nếu không có thêm tài trợ cho các vận động viên. Những người được hỏi cho rằng chỉ khi đó họ mới có thể tranh tài ở cấp quốc tế.
Ít nhất có một vận động viên Olympic từ bỏ một phần trợ cấp của mình để công bằng hơn với các vận động viên khuyết tật. Simi Adeagbo, vận động viên môn nhảy ba bước, người không được vào đội tuyển Olympic, nói rằng sau một năm tập luyện với vận động viên khuyết tật April Holmes và một số vận động viên Paralympic khác ở trung tâm Olympic Chula Vista, quan điểm của cô về vận động viên khuyết tật đã thay đổi.
“Trước đây, có thể với tư cách một người Mỹ bình thường, tôi không được biết các vận động viên khuyết tật,” Adeagbo nói. “Bạn không biết họ. Bạn không biết câu chuyện của họ. Bạn không biết họ luyện tập ra sao, nỗ lực dành huy chương cho đất nước họ ra sao. Bạn thậm chí chẳng biết rằng họ tồn tại.”
“Thế nên khi hỏi một vận động viên Olympic xem người đó có muốn mất một phần ưu đãi vì cái gì đó anh ta chưa từng nghe tới hoặc chẳng tồn tại thì thật là điên. Nhưng nếu bạn cho họ một cơ hội để thấy những gì tôi đã thấy và trải nghiệm những gì tôi đã trải nghiệm, tôi tin họ sẽ đổi ý.”Theo VieTimes