Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Omicron gây ra nguy cơ toàn cầu “rất cao”. Giám đốc điều hành hãng dược Moderna, một trong những nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19, cảnh báo các loại vaccine hiện tại khó có thể hiệu quả đối với biến thể mới với đột biến cao.
Trước nguy cơ tái phong tỏa, đóng cửa biên giới và người tiêu dùng lo lắng, các nhà đầu tư đã phản ứng bằng việc bán cổ phần các hãng hàng không và chuỗi khách sạn. Giá dầu giảm khoảng 10 USD/thùng - mức giảm giá gắn với nguy cơ suy thoái kinh tế.
Còn quá sớm để biết liệu 35 đột biến trên protein gai của Omicron có khiến biến thể này dễ lây nhiễm hay nguy hiểm so với biến thể Delta hiện đang “thống trị” hay không. Khi các nhà khoa học công bố phân tích dữ liệu trong vài tuần tới, bức tranh dịch tễ học sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, mối đe dọa về một làn sóng dịch lây lan từ nước này sang nước khác lại một lần nữa đeo bám nền kinh tế thế giới, làm trầm trọng thêm 3 nguy cơ đang hiện hữu.
Omicron đang là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế thế giới. (Nguồn: The Economist) |
Tin xấu cho tăng trưởng
Nguy cơ thứ nhất là các biện pháp hạn chế chặt chẽ ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng. Khi có thông tin về biến thể mới, các quốc gia này đã ra thông báo hạn chế du khách đến từ miền Nam châu Phi, nơi biến thể lần đầu được công bố. Israel và Nhật Bản đã đóng cửa biên giới hoàn toàn, trong khi Anh áp dụng các quy định cách ly mới.
Đại dịch đột ngột kết thúc một kỷ nguyên tự do của du lịch toàn cầu. Các hạn chế đã được nới lỏng trong năm nay, song tuần qua đã cho thấy các cánh cửa đã đóng lại nhanh hơn nhiều so với khi được mở trở lại.
Sự lây lan của Omicron cũng có khả năng làm gia tăng những hạn chế đối với việc đi lại tự do trong nước. Để kiềm chế các ca mắc biến thể Delta đang gia tăng, châu Âu thậm chí đã áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ngay trước cả khi biến thể Omicron xuất hiện.
Tại Italy, những người chưa tiêm vaccine không được phép đến các nhà hàng, trong khi tại Bồ Đào Nha, ngay cả những người đã tiêm vaccine vẫn phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được vào các quán bar. Trong khi đó, Áo đang áp lệnh phong tỏa hoàn toàn. Sự phục hồi được chờ đợi từ lâu của các ngành dịch vụ khổng lồ, từ khách sạn đến hội nghị, đã bị đình lại.
Nguy cơ lạm phát
Nền kinh tế mất cân đối làm trầm trọng thêm nguy cơ thứ hai, đó là biến thể mới có thể khiến lạm phát vốn đã cao tiếp tục tăng.
Rủi ro này lớn nhất tại Mỹ, nơi mà chính sách kích thích tài khóa của Tổng thống Joe Biden đã khiến nền kinh tế phát triển quá nóng và giá tiêu dùng trong tháng 10/2021 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong ba thập kỷ qua.
Tin liên quan |
Kinh tế toàn cầu 2022: Kịch bản tốt nhất và xấu nhất dưới sức ép của ‘bom tấn’ Omicron |
Theo dữ liệu của Bloomberg, lạm phát cũng cao ở các khu vực khác trên thế giới, ở mức 5,3% trên toàn cầu.
Nhiều người có thể nghĩ rằng biến thể Omicron sẽ làm giảm lạm phát do hoạt động kinh tế suy giảm. Thực tế có thể hoàn toàn ngược lại. Giá cả đang tăng một phần do người tiêu dùng tăng mua sắm, thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu cho mọi hàng hóa. Chi phí vận chuyển một container từ các nhà máy ở châu Á đến châu Mỹ vẫn cao ngất ngưởng.
Để tổng lạm phát giảm, người tiêu dùng cần chuyển chi tiêu sang các dịch vụ như du lịch và ăn uống. Biến thể Omicron không những trì hoãn việc này mà còn có thể gây nên những đợt phong tỏa mới tại các trung tâm sản xuất quan trọng, làm trầm trọng thêm gián đoạn nguồn cung. Và người lao động lo ngại về dịch bệnh có thể hoãn kế hoạch trở lại làm việc, khiến tiền lương bị đẩy lên.
Đây có thể là lý do Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, ngày 30/11 tuyên bố ủng hộ thắt chặt tiền tệ. Lập trường đó là đúng, song cũng mang lại những nguy cơ. Tác động lan tỏa có thể làm tổn thương các nền kinh tế mới nổi, vốn có xu hướng hứng chịu dòng vốn bị rút và tỷ giá hối đoái giảm khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các nền kinh tế mới nổi có dự trữ ngoại hối lớn hơn và ít phụ thuộc vào nợ ngoại tệ hơn so với trước đây khi Fed rút dần các gói kích thích tiền tệ năm 2013. Tuy nhiên, các nước này hiện lại phải đương đầu với biến thể Omicron ngay trong nước.
Brazil, Mexico và Nga đã tăng lãi suất, biện pháp giúp ngăn chặn lạm phát, song có thể làm giảm tăng trưởng khi làn sóng dịch mới bùng phát. Thổ Nhĩ Kỳ đã làm điều ngược lại, giảm lãi suất và hệ quả là đồng tiền sụp đổ. Nhiều nền kinh tế mới nổi có thể phải đối mặt với một lựa chọn không mong muốn.
Trung Quốc giảm tốc
Nguy cơ cuối cùng là tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cách đây chưa lâu, Trung Quốc là “tấm gương sáng” về khả năng phục hồi kinh tế trong đại dịch. Giờ đây, nước này đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản, các chiến dịch "chấn chỉnh" doanh nghiệp tư nhân và chính sách Zero Covid-19 không bền vững khiến đất nước bị cô lập và phải chịu sự phong tỏa ngặt nghèo tại bất cứ khu vực nào có các ca lây nhiễm.
Ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc xem xét việc kích thích kinh tế, tăng trưởng đã giảm xuống còn khoảng 5%. Trừ cú sốc khi đại dịch mới bùng phát, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc trong vòng 30 năm.
Nếu biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh hơn so với biến thể Delta, điều này sẽ thách thức chiến lược của Trung Quốc. Do biến thể này lây lan dễ hơn, Trung Quốc sẽ phải mạnh tay hơn đối với mỗi đợt bùng phát để dập dịch, điều sẽ gây tổn hại tăng trưởng và phá vỡ chuỗi cung ứng.
Biến thể Omicron cũng có thể gây khó cho Trung Quốc trong việc từ bỏ chính sách Zero Covid-19, bởi với việc để virus lây lan, làn sóng lây nhiễm có thể lớn hơn, gây căng thẳng cho nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Điều này đặc biệt đúng với mức miễn dịch thấp ở Trung Quốc và các câu hỏi về việc vaccine của nước này hiệu quả đến đâu.
Mặc dù vậy, không phải tất cả đều u ám. Thế giới sẽ không chứng kiến sự tái diễn của mùa Xuân năm 2020 với sự sụt giảm GDP đáng kinh ngạc.
Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) cho biết người dân, doanh nghiệp và các chính phủ đã thích ứng với virus này, có nghĩa là mối liên hệ giữa GDP và các hạn chế về đi lại và các hoạt động khác bằng 1/3 so với trước đây.
Một số nhà sản xuất vaccine kỳ vọng dữ liệu mới sẽ cho thấy vaccine hiện tại vẫn ngăn ngừa được những ca bệnh nặng. Và, nếu phải hành động, các công ty và chính phủ sẽ có thể tung ra vaccine và thuốc điều trị mới sau vài tháng tới.
Mặc dù vậy, Omicron, hoặc các biến thể khác trong tương lai, vẫn đe dọa giảm tăng trưởng và tăng lạm phát khi thế giới vừa nhận được cảnh báo, con đường để Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu sẽ không bằng phẳng.
| Biến thể Omicron - 'Bài kiểm tra' cho kinh tế Trung Quốc Theo tờ The Economist (Anh), biến thể Omicron có thể gây ra sự gián đoạn mới và đặt ra một bài kiểm tra cho các ... |
| Vaccine ngừa Covid-19 sẽ có hiệu quả thấp hơn với Omicron? Chủ tịch hãng dược phẩm Moderna Inc. Stephen Hoge cho biết hiện chưa có đủ dữ liệu để biết chắc chắn liệu vaccine có giảm ... |