Ông Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ. (Nguồn: AP) |
Sáng sớm 7/1 theo giờ địa phương, trong vòng bỏ phiếu lần thứ 15 để tìm ra Chủ tịch Hạ viện Mỹ kế tiếp, ông Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng.
Trước đó, trong vòng bỏ phiếu thứ 12, ông McCarthy đã giành được 213 phiếu ủng hộ.
Tại vòng bỏ phiếu thứ 13, ông tiếp tục giành thêm được 1 phiếu ủng hộ, lên 214 phiếu.
Và sau khi vòng thứ 14 vừa kết thúc, chính khách này đã nhận được 216 phiếu ủng hộ, chỉ thiếu đúng 1 phiếu ủng hộ nữa để trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Chiến thắng của ông McCarthy, 57 tuổi, đòi hỏi ông và các đồng minh phải đưa ra nhượng bộ phi thường đối với một khối nhỏ những người cực hữu, trong đó nhiều người đã phản đối ông làm Chủ tịch Hạ viện từ nhiều tháng qua.
Trước đó, ông McCarthy đã thất bại trong các lần bỏ phiếu do những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa, đại diện chưa đầy 1/10 số Hạ nghị sĩ của đảng này, đã phản kháng chống lại ông, qua đó đẩy phe đa số mới tại Hạ viện Mỹ vào tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, trong các vòng bỏ phiếu gần đây, ông McCarthy đã giành thêm được nhiều phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ này sau khi đưa ra nhiều nhượng bộ. Thậm chí, ông McCarthy còn nhất trí khôi phục quy định từ lâu của Hạ viện Mỹ cho phép bất kỳ nghị sĩ nào trong viện Quốc hội này được kêu gọi bỏ phiếu về việc phế truất ông.
Tuy nhiên, dù được bầu trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhưng giới chuyên gia cho rằng, ông McCarthy có thể đối mặt với nhiều khó khăn khi lãnh đạo một đa số hẹp và bị chia rẽ sâu sắc. Có ý kiến cho rằng, quyền lực của ông bị suy giảm sau khi ông nhượng bộ chia sẻ một số quyền hạn và thường xuyên bị đe dọa bởi những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn này.
Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, công việc đầu tiên của ông McCarthy là tuyên thệ trước 433 thành viên khác của Hạ viện, những người đã bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng khi Quốc hội Mỹ khóa 118 khai mạc hôm 3/1 vừa qua.
Sau khi tất cả các thành viên mới tuyên thệ nhậm chức, Hạ viện sẽ chuyển sang phê duyệt gói quy tắc mới mà ông McCarthy đã đàm phán với các thành viên cực kỳ bảo thủ của đảng Cộng hòa, cũng như bầu các vị trí lãnh đạo các ủy ban quan trọng của Hạ viện như Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quân lực, Ủy ban Phân bổ Ngân sách....
Trước đó, bình luận về cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nhật báo Washinton Post viết, Đảng Cộng hòa tiếp tục bị chia rẽ, tại vòng bỏ phiếu thứ 4 và thứ 5 trong ngày 4/1, 20 thành viên của đảng này tại Hạ viện Mỹ tiếp tục "ngáng đường" Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy leo lên chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện khóa 118, kế nhiệm bà Nancy Pelosi của phe Dân chủ.
Theo tờ báo, chiêu thức phá giấc mơ làm Chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy của phe ủng hộ luận điệu “gian lận bầu cử” của cựu Tổng thống Donald Trump là lần lượt đưa những ứng cử viên ra đối đầu để “phá phiếu” cựu lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện khóa 117.
Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 3/1, Hạ nghị sĩ Andy Biggs của đảng Cộng hòa (bang Arizona) được đề cử và giành được 10 phiếu, đủ để ông McCarthy không đạt được 218 phiếu cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện.
Tại vòng 2, phe bảo thủ lại đề cử một người từng lên tiếng ủng hộ ông McCarthy là Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Jordan (bang Ohio). "Chiêu độc" này khiến ông McCarthy mất thêm 9 phiếu so với vòng đầu tiên khi có tới 19 hạ nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu cho ông Jordan.
Trò chia rẽ giữa ông McCarthy và ông Jordan tiếp tục được phát huy khi vào vòng 3 có tới 20 người Cộng hòa bỏ phiếu cho Hạ nghị sĩ của bang Ohio, nhiều hơn 1 phiếu so với vòng thứ 2.
Sang ngày 4/1, bước vào vòng bỏ phiếu thứ 4, phe “phá phiếu” lại giới thiệu một ứng cử viên khác là Hạ nghị sĩ Cộng hòa Byron Donalds (Florida), mới làm một nhiệm kỳ hồi 2021, với kết quả là ông McCarthy lại mất 20 phiếu, tương tự vòng bỏ phiếu thứ 3.
Kết quả vòng bỏ phiếu thứ 5, tham vọng làm Chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy vẫn không trở thành hiện thực khi chỉ có 201 phiếu ủng hộ, vì “đối thủ cùng đảng”, Hạ nghị sĩ Donalds vẫn được 20 phiếu từ phe ủng hộ “gian lận bầu cử”.