Động thái này dường như nhằm đảm bảo thỏa thuận liên Triều được thực thi cho dù chính phủ thay đổi.
Phát biểu tại cuộc gặp các trợ lý, diễn ra hàng tuần tại Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), ông Moon nêu rõ: "Tôi đề nghị nhanh chóng bắt đầu các bước để Tuyên bố chung Panmunjom được phê chuẩn theo luật định về phát triển quan hệ hai miền".
Đây là lần đầu tiên Tổng thống hoặc Chính phủ Hàn Quốc lưu ý sự cần thiết của việc quốc hội phê chuẩn thỏa thuận liên Triều mới nhất này.
Tổng thống Moon Jae-in (thứ tư từ trái) mời các trợ lý của ông ngồi xuống vì họ hoan nghênh ông về kết quả thành công của hội nghị thượng đỉnh của ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 30 tháng 4 năm 2018. |
Ông Moon khẳng định: "Tuyên bố Panmunjom là một tuyên bố hòa bình để nói với toàn thế giới rằng sẽ không còn bất cứ cuộc chiến tranh hay mối đe dọa hạt nhân nào trên Bán đảo Triều Tiên". Ông cũng nhấn mạnh "chúng ta mới chỉ thực hiện bước đi đầu tiên. Tôi đề nghị thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết tiếp theo".
Tuy nhiên, vấn đề này đang gây tranh cãi giữa các đảng tại Hàn Quốc. Đảng đối lập chính "Hàn Quốc Tự do" (LKP) khẳng định sẽ ngăn cản dự luật phê chuẩn Tuyên bố Panmunjom bằng mọi giá. LKP cho rằng đây là "màn trình diễn giả tạo"trước thềm cuộc bầu cử thống đốc, thủ hiến và thị trưởng tại Hàn Quốc ngày 13/ 6 tới.
Trong khi đó, Chủ tịch đảng Công lý (thiểu số) Lee Jeong-mi bày tỏ ủng hộ quốc hội phê chuẩn thỏa thuận liên Triều. Bà Lee cho biết: "Nếu LKP gây xung đột và đối đầu, cũng như tiếp tục chỉ trích miền Bắc, họ sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh của công luận". Bà nhấn mạnh rằng: "Nhiệm vụ đầu tiên của nền chính trị hợp tác là đảm bảo quốc hội phê chuẩn Tuyên bố chung Panmunjom".
Hiện, đảng Dân chủ cầm quyền, cùng đảng Dân chủ và Hòa bình, đảng Công lý và một số nghị sĩ đảng Bareunmirae ủng hộ quốc hội phê chuẩn Tuyên bố chung Panmunjom.
Vì vậy, giới quan sát chính trị cho rằng đảng cầm quyền có thể đề nghị bỏ phiếu kiến nghị phê chuẩn mà không cần sự ủng hộ của LKP. Tuy nhiên, nếu gạt LKP ra ngoài lề sự kiện này có thể gây chia rẽ lớn hơn trong nhiều vấn đề lập pháp khác, như đề xuất của chính phủ về một khoản ngân sách bổ sung và kế hoạch sửa đổi hiến pháp bị đình trệ lâu nay.
Trong những năm qua, lập trường của Seoul đối với Bình Nhưỡng luôn thay đổi mỗi khi phe cầm quyền thay đổi.
Các hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất năm 2000 và lần thứ hai năm 2007 đều đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh hợp tác, trao đổi và giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Nhưng các thỏa thuận này đều bị "xếp xó" sau khi chính phủ mới lên nắm quyền.
Trong Tuyên bố Panmunjom sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ngày 27/4 vừa qua, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã xác nhận mục tiêu chung "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" và nhất trí ngừng mọi hành động thù địch chống lại nhau, cũng như thúc đẩy chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên và lập một cơ chế hòa bình.
Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền Choo Mi-ae khẳng định: "Giờ là lúc khởi đầu một hành trình lớn hướng tới tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên, phi hạt nhân hóa và một cơ chế hòa bình. Đảng Dân chủ sẽ thúc đẩy các nỗ lực để đảm bảo Tuyên bố Panmunjom lịch sử được thực thi suôn sẻ".