Ông Donald Trump tỏ ý định nghiêm túc về việc muốn mua đảo Greenland. (Nguồn: The Feed) |
Hôm 8/1, theo Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Waltz, người được ông Trump chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền mới, Greenland có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Chia sẻ với Fox News, ông Waltz nói rõ: "Nga đang cố trở thành vua của Bắc Cực, với hơn 60 tàu phá băng, trong đó một số chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chúng ta chỉ có 2 chiếc và một chiếc vừa bị cháy".
Bên cạnh đó, còn là vấn đề về khoáng sản thiết yếu và về tài nguyên thiên nhiên: "Khi các tảng băng ở Bắc Cực tan chảy, Trung Quốc hiện đang tăng tốc sản xuất tàu phá băng và cũng đang tiến về khu vực này. Vì vậy, đây là vấn đề dầu khí và an ninh quốc gia của chúng ta".
Trước động thái có vẻ quyết liệt chính quyền sắp tới của Mỹ, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen thừa nhận: "Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã lơ là việc đầu tư cần thiết vào tàu thuyền và máy bay để giám sát vương quốc của mình và đó là điều chúng tôi đang cố gắng khắc phục".
Trong khi đó, ngày 9/1, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã liên hệ với ông Trump và "đề xuất một cuộc trao đổi", đồng thời khẳng định sẵn sàng thảo luận về lợi ích của Mỹ tại Bắc Cực. Tuy nhiên, bà Frederiksen nhấn mạnh rằng: "Greenland thuộc về người Greenland".
Thủ tướng Frederiksen đã triệu tập các lãnh đạo đảng phái trong quốc hội Đan Mạch, bao gồm hai đại diện của Greenland, đến một cuộc họp cùng ngày để thông báo về cách chính phủ xử lý sự việc.
Các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ chủ quyền của Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới ở Bắc Cực, với diện tích hơn 2,1 triệu km². Nga đã bày tỏ quan ngại về việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen nói với phóng viên rằng Đan Mạch "hoàn toàn không có ý định leo thang cuộc khẩu chiến với một tổng thống sắp bước vào Nhà Trắng".
Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời ông Rasmussen cho biết, ông không tin rằng Greenland có tham vọng trở thành một "bang của Mỹ" và Copenhagen sẵn sàng đối thoại với Washington để mở rộng hợp tác giữa Đan Mạch và Mỹ nhằm bảo đảm các lợi ích của xứ cờ hoa.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lần đầu tiên tuyên bố yêu sách đối với hòn đảo này vào năm 2019 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông. Vào năm 2024, ngay sau khi thắng cử Tổng thống Mỹ, ông tái khẳng định sự quan tâm của mình, gọi đó là "sự cần thiết thực sự" đối với Washington.
Reuters (Ngày 8/1)
Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Waltz ngày 8/1 cho biết Greenland có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump gợi ý Mỹ nên kiểm soát hòn đảo này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News, ông Waltz, người được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, đã được hỏi về việc Tổng thống đắc cử Mỹ muốn kiểm soát hòn đảo Bắc Cực này. Ông Waltz chia sẻ: "Nga đang cố trở thành vua của Bắc Cực, với hơn 60 tàu phá băng, trong đó một số chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chúng ta chỉ có 2 chiếc, và một chiếc vừa bị cháy".
Ông Waltz nói thêm: "Đây là vấn đề về khoáng sản thiết yếu, về tài nguyên thiên nhiên. Khi các tảng băng ở Bắc Cực tan chảy, Trung Quốc hiện đang tăng tốc sản xuất tàu phá băng và cũng đang tiến về khu vực này. Vì vậy đây là vấn đề dầu khí và an ninh quốc gia của chúng ta".
Ông Trump, sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1, hôm 7/1 đã từ chối loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự hoặc kinh tế để có được hòn đảo này - một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đề xuất Đan Mạch nên bán Greenland, nhưng chính phủ Đan Mạch đã bác bỏ ý tưởng này.