📞

Ông Trump sẽ vượt qua thử thách cuối cùng để tiến vào Nhà Trắng

14:17 | 19/12/2016
Đại cử tri đoàn dường như chắc chắc sẽ bỏ phiếu lựa chọn ông trùm bất động sản 70 tuổi này trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45 trong ngày hôm nay (19/12). 

Khả năng xoay chuyển?

Những người chỉ trích Tổng thống đắc cử Trump Donald Trump kịch liệt nhất có thể vẫn đang mong về khả năng xoay chuyển chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử ngày 8/11 vừa qua vào phút cuối. Tuy nhiên, Đại cử tri đoàn, thể chế đặc biệt của Mỹ, dường như chắc chắc sẽ bỏ phiếu lựa chọn ông trùm bất động sản 70 tuổi này trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45. 

Rất nhiều người phản đối ông Trump đã chỉ trích hệ thống bầu cử đi ngược với nguyên tắc “một cử tri, một lá phiếu” vì cho rằng hệ thống bầu cử này khuyến khích các ứng cử viên tổng thống chỉ vận động tranh cử ở một vài bang chủ chốt, trong khi phớt lờ toàn bộ các khu vực còn lại của đất nước. Mặc dù vậy, trong nhiều thập kỷ qua, không một nỗ lực nào nhằm cải tổ hệ thống bầu cử này được thực hiện thành công. 

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. (Nguồn: Getty Images)

Khi các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu hôm 8/11 vừa qua, họ không bầu trực tiếp cho ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng. Thay vào đó, họ chọn ra 538 “đại cử tri” có nhiệm vụ chuyển tải mong muốn của họ thành hiện thực. Ông Trump đã giành đa số phiếu đại cử tri, với 306 phiếu so với số phiếu cần thiết là 270 phiếu, dù để thua đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton trên tổng số phiếu phổ thông. Kịch bản tương tự đã diễn ra hồi năm 2000, khi ông George W. Bush thắng cử tổng thống dù ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore giành nhiều phiếu phổ thông hơn. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch trong mùa bầu cử năm nay lớn hơn rất nhiều, khi bà Clinton nhận được nhiều hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu phổ thông.  Ngày 19/12, các đại cử tri sẽ tập hợp ở 50 bang và ở Washington DC để chính thức bỏ phiếu bổ nhiệm tổng thống và phó tổng thống mới. Sau chiến dịch vận động cực kỳ quyết liệt, bước đi này trong tiến trình bầu cử, thường chỉ mang tính hình thức, nhận được sự chú ý lớn. 

Khó "lật kèo" Trong lịch sử, các đại cử tri rất hiếm khi “phản bội” các mong muốn của đa số cử tri trong khu vực bầu cử của họ. Và chưa bao giờ số phiếu của các “cử tri bất trung” làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống. Tuy vậy, một số nghị sĩ đảng Dân chủ, những người coi việc ông Trump trở thành tổng thống sẽ tạo ra mối nguy hiểm đối với nền dân chủ Mỹ, đang nuôi hy vọng nhỏ nhoi rằng vài chục đại cử tri Cộng hòa có thể sẽ quyết định không bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo dân túy của đảng này. Tuy vậy, nếu điều đó xảy ra, Hạ viện Mỹ sẽ chỉ định người kế nhiệm ông Barack Obama và đảng Cộng hòa đang nắm giữ đa số tại đó. 

Tuy nhiên, các nỗ lực như vậy dường như không có cơ hội thành công. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy ít nhất 37 đại cử tri Cộng hòa sẽ quyết định không bỏ phiếu cho ông Trump. Đến nay, chỉ có một đại cử tri Christopher Suprum của bang Texas công khai ý định sẽ “lật kèo”. 

Kết quả cuối cùng có thể chưa được đưa ra vào ngày 19/12 bởi các bang được cho phép kiểm phiếu trong vài ngày. Quốc hội sẽ tuyên bố người thắng cử chính thức vào ngày 6/1 tới, hai tuần trước khi tân tổng thống nhậm chức trong buổi lễ trang trọng bên ngoài Đồi Capitol.  Trả lời tại cuộc họp báo cuối cùng trong năm trước kỳ nghỉ ở Hawaii, Tổng thống Barack Obama thừa nhận rằng hệ thống bầu cử này là “tàn tích còn sót lại, là kết quả của ý tưởng trước đây về cách chính phủ liên bang của chúng ta hoạt động ra sao” và nó có thể gây bất lợi cho đảng Dân chủ. Tháng 11/2000, bà Hillary Clinton, khi đó là thượng nghị sĩ mới đắc cử ở New York, đã kêu gọi cải cách bầu cử để dẫn tới phương thức bầu cử phổ thông trực tiếp.  Về phần mình, ông Trump đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về vấn đề này chỉ trong 4 năm. Tháng 11/2012, ông viết trên Twitter rằng: “Đại cử tri đoàn là thảm họa của nền dân chủ”. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, chỉ vài ngày sau chiến thắng bất ngờ, ông đã bày tỏ quan điểm khác: “Đại cử tri đoàn là phương thức bầu cử thực sự sáng suốt khi giúp đưa tất cả các bang, cả các bang nhỏ, tham gia vào cuộc bỏ phiếu”.

Kết quả bầu cử phổ thông hôm 8/11 cho thấy, ông Trump có khả năng giành được 306 phiếu đại cử tri, trong khi ứng viên Dân chủ Hillary Clinton chỉ giành 232 phiếu. Nói cách khác, sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, ông Trump được dự đoán sẽ giành 56,9% số phiếu đại cử tri, trở thành người giành nhiều phiếu đại cử tri thứ 44 trong số 54 cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1804, nhiều hơn của Tổng thống George W. Bush năm 2000 và 2004.

(theo AP)