Tổng thống Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salman trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, vào tháng Bảy. (Nguồn: Saudi Press Agency) |
Các động thái của Opec+ nhằm giảm sản lượng, có thể làm tăng giá dầu mỏ và các sản phẩm liên quan được coi là đứng về phía Tổng thống Nga Putin.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết "sẽ có những hậu quả" đối với Saudi Arabia sau quyết định đứng về phía Moscow và cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày vào tuần trước. "Sẽ có một số hậu quả đối với những gì họ đã ủng hộ Nga", Ông Biden cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CNN.
Những nhận xét trên, báo hiệu sự từ bỏ đáng kể những nỗ lực gần đây của ông Biden, nhằm tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, đồng thời đặt ra nghi ngờ về tương lai của mối quan hệ an ninh Mỹ-Saudi Arabia.
Phản ứng dữ dội của Quốc hội Mỹ đối với Saudi Arabia cũng đã leo thang mạnh mẽ trong tuần này sau khi Chủ tịch Đảng Dân chủ Robert Menendez đầy quyền lực của Ủy ban đối ngoại Thượng viện, đe dọa đóng băng việc mua bán vũ khí và hợp tác an ninh với vương quốc này. Ông này nói, Thái tử Mohammed đang giúp “thúc đẩy chiến dịch quân sự của ông Putin thông qua OPEC +". Ông Menendez nói rằng, "đơn giản là không có chỗ để chơi với cả hai bên trong cuộc xung đột này".
Trước đó, Saudi Arabia tiết lộ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhờ nước này tác động, hoãn quyết định giảm sản lượng dầu thêm một tháng nữa. Điều này có thể là nhằm tránh kịch bản giá nhiên liệu tăng cao đúng vào giai đoạn quan trọng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - nơi chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Biden sẽ gặp áp lực lớn.
Chuyến đi không thành công của Tổng thống Biden
OPEC và các đồng minh chiến lược do Nga dẫn đầu đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu, khiến Washington đã cân nhắc nhiều tới khả năng có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc Quốc hội Mỹ thúc đẩy một đạo luật để làm tan rã hoàn toàn OPEC; gửi đơn khiếu nại trực tiếp lên Tổ chức thương mại thế giới; tịch thu tài sản ở Mỹ của các nước thành viên OPEC.
Có thể thấy rằng, nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với OPEC, mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Arập ở Trung Đông sẽ hoàn toàn thay đổi và họ sẽ trở nên đối địch với Mỹ. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Saudi Arabia để đề nghị OPEC điều chỉnh sản lượng dầu mỏ. Tuy nhiên, rõ ràng là các nước thành viên OPEC như Saudi Arabia đã không chấp thuận và chuyến đi của Tổng thống Mỹ đã không thành công.
Các nước OPEC và đồng minh (gọi là OPEC+) tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng tại Vienna, quyết định giảm sản lượng dầu nhằm ổn định giá dầu quốc tế. Động thái này của OPEC làm phá sản kế hoạch kìm hãm lạm phát trong nước của đảng Dân chủ Mỹ bằng cách điều chỉnh giá dầu trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
David Godwin, cựu quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề năng lượng quốc tế của Bộ Năng lượng Mỹ, cho hay: "Khi lạm phát đang làm suy yếu tăng trưởng toàn cầu và châu Âu đang phải vật lộn để có các nguồn cung cấp năng lượng thay thế trong thời gian diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, việc cắt giảm sản lượng dầu lớn như vậy là một lời ‘tuyên chiến’ về kinh tế và ngoại giao".
Trên thực tế, có những dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia và các nước OPEC khác đang xa rời Mỹ.
Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế trên quy mô lớn, đa dạng hóa nền kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng hàng loạt, buộc Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác phải lên kế hoạch chiến lược dài hạn.
Saudi Arabia đã quyết định xây dựng một thành phố thông minh hiện đại trải dài 170 km ở sâu trong sa mạc. Bằng cách ứng dụng kinh tế kỹ thuật số, xây dựng đường sắt cao tốc và dựa vào các công nghệ năng lượng mới như quang điện, một thành phố kiểu mẫu mới, hiện đại sẽ được xây dựng trên vùng sa mạc của Saudi Arabia.
Dự án này gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật trong quá trình thiết kế và đòi hỏi sự đầu tư rất lớn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, các thành viên hoàng gia Saudi Arabia đã quyết định thành lập một liên doanh để bước đầu xây dựng xong cơ sở hạ tầng của thành phố này vào năm 2030, cho phép hàng triệu cư dân sống trong một thành phố ba chiều mới, tập trung cao độ.
Đây là một ý tưởng vô cùng táo bạo và là một kế hoạch xây dựng đô thị chưa từng có của nhân loại. Để thực hiện một kế hoạch như vậy, rõ ràng không thể dựa vào một vài quốc gia phát triển như Mỹ.
Nếu muốn hiện thực hóa giấc mơ của mình, Saudi Arabia phải lựa chọn những đối tác mới. Trung Quốc, với năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng vượt trội, đã lọt vào tầm ngắm của các nhà hoạch định chính sách Saudi Arabia. Các công ty Trung Quốc đã tham gia xây dựng các thành phố thông minh ở Saudi Arabia. Trong tương lai không xa, thành phố hiện đại tiên tiến nhất thế giới có thể trở thành biểu tượng của Saudi Arabia, đồng thời đây cũng sẽ là cách quảng cáo tốt nhất cho năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Các nước phương Tây như Mỹ sẽ không hài lòng về việc Saudi Arabia hợp tác với Trung Quốc.
Duy trì một khoảng cách nhất định với Mỹ
Đối với Saudi Arabia, duy trì một khoảng cách nhất định với Mỹ có thể là lựa chọn tốt nhất để chuyển đổi nền kinh tế và xây dựng các đô thị hiện đại.
Mặt khác, Mỹ đề nghị Saudi Arabia và các nước thành viên OPEC khác tăng sản lượng khai thác dầu để giảm giá dầu. Điều này rõ ràng sẽ gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của các nước thành viên OPEC. Vì vậy, họ sẽ không dễ dàng đồng ý với các đề nghị của Mỹ trừ khi Mỹ trao đổi lợi ích, giúp Saudi Arabia và các nước OPEC khác giải quyết các vấn đề trong việc điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế. Nếu không, các yêu cầu của Mỹ không thể được đáp ứng.
Có thể nói, mâu thuẫn giữa Mỹ và các nước OPEC như Saudi Arabia khó có thể hòa giải. Vì vậy, duy trì một khoảng cách phù hợp với Mỹ là một lựa chọn khôn ngoan.
Các quốc gia Arập ở Trung Đông đã quyết định lựa chọn con đường đi riêng và duy trì khoảng cách nhất định với Mỹ trong quá trình phát triển kinh tế.
Trong ngắn hạn, Mỹ sẽ không bị gạt ra ngoài lề ở Trung Đông. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu chính sách Trung Đông của Mỹ không thay đổi, mối quan hệ Mỹ với các nước Arập ở Trung Đông và Iran sẽ không có sự thay đổi về cơ bản.
Đối với Mỹ, nếu các biện pháp trừng phạt được áp đặt để buộc các nước thành viên OPEC phải thay đổi đường hướng, thì các thành viên OPEC có thể buộc phải chống trả, tận dụng triệt để lợi thế nguồn dầu mỏ của mình để đối phó.