Trong khi Mỹ cáo buộc Nga căn cản việc hội nghị ra nghị quyết về vấn đề quyền con người hay khủng hoảng ở Ukraine, thì phía Nga cáo buộc Mỹ kéo dài cuộc đàm phán về một thỏa thuận nhằm cho phép lực lượng nổi dậy Syria an toàn rời khỏi thành phố Aleppo - nơi quân đội Chính phủ Syria đang giành lợi thế.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đổ lỗi cho Ukraine trì hoãn thực thi thỏa thuận về trao đổi tù binh, cho rằng Kiev từ chối tham gia đàm phán trực tiếp với các đại diện của vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: Vietnam+) |
Mặc dù không thể ra một thông cáo chung, do không nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 57 thành viên theo quy chế, song các Ngoại trưởng OSCE cũng đã có sự đồng thuận trong một số vấn đề, như cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz - người sẽ giữ cương vị Chủ tịch OSCE luân phiên trong năm 2017, nhấn mạnh việc tấn công IS là trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông, bắt đầu từ tháng 1 tới. Ông Kurz coi việc ngăn chặn tư tưởng Hồi giáo cực đoan tràn vào châu Âu cũng quan trọng như việc chiến đấu chống lại lực lượng này ở Trung Đông.
"Có khoảng 10.000 người từ các nước OSCE đến Iraq và Syria để hỗ trợ cho những kẻ khủng bố IS, và mang theo hàng loạt nguy cơ về an ninh cho tất cả chúng ta khi những người này quay trở về", ông Kurz nói.