Tiến sỹ Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch VNCPEC dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị toàn thể PECC lần thứ 27. |
Đây là hội nghị quan trọng nhất của PECC trong năm 2020, với sự tham dự của hơn 130 đại biểu là các nhà nghiên cứu hàng đầu khu vực thuộc các Ủy ban quốc gia thành viên PECC, các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực liên quan. Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia, YB Dato’ Seri Mohamed Azmin Ali, đại diện nước chủ nhà APEC năm 2020 đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch VNCPEC đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “Tối ưu hóa tiềm năng con người hướng tới một tương lai thịnh vượng chung và bền vững trong thời kỳ Covid-19”, Hội nghị tập trung thảo luận những vấn đề cấp bách đang đặt ra với thế giới và khu vực, trong đó nổi lên là tác động của đại dịch Covid-19 và các giải pháp phục hồi kinh tế; xu thế liên kết kinh tế khu vực và tác động của các cơ chế liên kết quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP,… đối với phục hồi và tăng trưởng kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy nền kinh tế các-bon thấp; phát triển kinh tế số và hạ tầng cơ sở của xã hội bao trùm; tăng cường đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kỷ nguyên số; nguy cơ thất nghiệp đối với thanh niên tại khu vực.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. |
Với vai trò là cơ chế hợp tác, phối hợp chính sách quan trọng hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị toàn thể PECC lần thứ 27 được kỳ vọng sẽ thảo luận và thống nhất nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, phát triển bền vững, bao trùm, duy trì vai trò của châu Á – Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Hội nghị cũng đưa ra các đề xuất nhằm đóng góp triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 vừa được các nhà Lãnh đạo APEC thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 diễn ra ngày 20/11 vừa qua.
Hội nghị sẽ diễn ra trong ba ngày với sáu phiên thảo luận quan trọng, trong đó đoàn Việt Nam được mời phát biểu chính tại phiên thảo luận về tác động của CPTPP và RCEP đối với các nỗ lực phục hồi và liên kết kinh tế. Điều này cho thấy sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp Việt Nam trong thúc đẩy hình thành các cơ chế liên kết kinh tế quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương, quyết tâm và những thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong phòng chống Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế và triển khai hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, VNCPEC nhiệm kỳ 2020 – 2021 gồm 3 thành viên: Tiến sỹ Võ Trí Thành, chuyên gia cao cấp, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Chủ tịch VNCPEC), Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp, Bộ Ngoại giao (Phó Chủ tịch VNCPEC), Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển (thành viên). Trong thời gian qua, VNCPEC đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động của PECC, APEC, ASEAN và các cơ chế hợp tác và liên kết kịnh tế khu vực. VNCPEC đã nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến, ý tưởng, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng chính sách về liên kết kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương, xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040, các hoạt động của ASEAN trong năm 2020 do Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch và nhiều hoạt động tại các cơ chế hợp tác và liên kết kinh tế khu vực khác như Nhóm Tầm nhìn APEC sau năm 2020, Nhóm hợp tác về kết nối châu Á – Thái Bình Dương, Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình, cũng như tham gia nhiều nghiên cứu quan trọng ở trong và ngoài nước về tác động của đại dịch Covid-19 và các giải pháp phục hồi kinh tế đối với Việt Nam và khu vực. Bên cạnh đó, các thành viên VNCPEC cũng tích cực đóng góp trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học… về những vấn đề mới trong liên kết kinh tế quốc tế và triển khai hội nhập quốc tế của Việt Nam, từ đó giúp nâng cao sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp, người dân trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước. |