📞

Pep Guardiola và cuộc phiêu lưu ở thành phố tội phạm

07:00 | 11/08/2016
Thành phố Culiacan phía Tây Bắc Mexico không phải là một điểm đến thú vị với những người yêu bóng đá. Thực tế, đây còn là sào huyệt của nhóm tôi phạm Sinaloa với kẻ cầm đầu là ông trùm ma túy Joaquin “El Chapo” Guzman.

Tại Culiacan, người ta thích xem bóng chày hơn bóng đá. Đội bóng Dorados de Sinaloa của địa phương này cũng chẳng phải là một tên tuổi lớn.

Tháng 1/2006, khi đội bóng này đang ngấp nghé bờ vực xuống hạng thì có một cái tên đã xuất hiện để làm HLV kiêm cầu thủ. Đó là Pep Guardiola. Khi đó, ông mới 35 tuổi.

Sau vinh quang cùng Barcelona và Bayern Munich, Pep Guardiola sẽ là HLV của Man City ở mùa giải tới. (Ảnh: Getty)

Hiện tại, Pep Guardiola chính là HLV thành công nhất với hàng chục danh hiệu gặt hái được cùng Barcelona và Bayern Munich. Bởi vậy, thật khó mà hình dung được rằng chính ông đã từng lưu lạc đến tận một nơi như Culiacan để đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện. Thậm chí với tư cách một cầu thủ, một ngôi sao (dù đã gần giải nghệ) như Guardiola cũng chẳng mấy khi nghĩ đến xứ Mexico xa xôi để đá bóng kiếm tiền.

Thế nhưng đó là sự thực, Pep đã xuất hiện ở thành phố này cùng lời giới thiệu của người bạn cũ Juan Manuel Lillo – người khi ấy đang làm HLV tại CLB Dorados. Và từ đây, một sự nghiệp huy hoàng đã mở ra.

“Chúng tôi đang trong năm thứ hai ở giải hạng Nhất và mới bổ nhiệm Juan Manuel Lillo làm HLV trưởng”, Juan Antonio Garcia – người sáng lập, đồng thời cũng là cựu Chủ tịch của Dorados nhớ lại. “Ông ấy nói rằng chúng tôi có thể mời được Pep (khi ấy vừa hết hợp đồng tại Qatar) đến chơi bóng. Pep khi ấy cũng vừa nhận bằng HLV và đồng ý đến Mexico vì tình bạn với Juan Manuel”.

Cựu HLV của Dorados - Juan Manuel Lillo. (Ảnh: El Universal)

Có thể nói, cuộc sống ở Dorados rất khác với những gì mà Pep đã trải qua tại Barcelona. Đội bóng này phải tập luyện ở một công viên nước với duy nhất một phòng thay đồ. Thậm chí, các cầu thủ còn không được tắm sau những giờ tập luyện giữa trời nắng bởi ở đó không có nhà tắm mà công viên cũng chẳng có nước vì đã bị đóng cửa từ lâu.

Ở đội bóng này, Guardiola nhận mức lương “chỉ bằng móng tay so với những gì mà cậu ấy đã nhận được” - như chính Cựu chủ tịch Garcia đã thừa nhận. Vào thời điểm đó, Dorados đang đứng trên bờ vực phá sản. Thậm chí sau đó, họ còn không thể trả lương cho cầu thủ.

“Đó là điều chưa từng xảy ra với Pep trước đây. Chúng tôi không thể trả lương cho cậu ấy hay bất kỳ ai. Các cầu thủ thể hiện sự bất mãn bằng việc không mặc đồng phục trong các buổi tập. Nhưng chính Pep đã đoàn kết mọi người lại với nhau”, ông Garcia kể lại.

“Guardiola có tinh thần chuyên nghiệp tuyệt vời và luôn tìm cách đoàn kết mọi người lại với nhau. Cậu ấy vừa là thủ lĩnh vừa là một HLV đích thực khi luôn tìm cách tổ chức đội bóng. Rõ ràng Pep đang rất tập trung cho bước tiếp theo trong sự nghiệp của mình – đó là làm HLV”.

Guardiola trong màu áo Dorados. (Ảnh: Goal)

Guardiola luôn tìm hiểu rất kỹ đối thủ tiếp theo của Dorados. Mỗi khi vắng mặt vì chấn thương, người ta lại thấy ông ngồi cạnh Lillo trên băng ghế huấn luyện và hỗ trợ cho người bạn cũ về chiến thuật.

“Rất nhiều cầu thủ ngày nay trở thành HLV bởi danh tiếng của họ khi còn chơi bóng. Nhưng Pep hiểu rằng như vậy là không đủ”, Caneda nói. “Ông ấy rất thông minh, khiêm tốn và ham học hỏi. Không lâu sau đó, Pep trở thành một HLV toàn diện với tầm hiểu biết rất lớn về bóng đá”.

Dù cả thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Pep xuất hiện ở Culiacan nhưng tên ông vẫn còn được rất nhiều người dân địa phương nhắc đến. “Đêm nào ông ấy cũng đưa cho tôi một phong bì. Trong đó có ít tiền mặt đề hỗ trợ vì thu nhập của tôi quá thấp”,  Eliseo Martinez -  hướng dẫn viên kiêm tài xế của Pep chia sẻ. “Có lần, ông ấy đưa tôi hẳn 3.000 Peso. 10 năm trước thì đó là cả đống tiền, tương đương nửa tháng lương của tôi đấy”.

Guardiola rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Thời gian rảnh, ông thường đến những nhà hàng và quán cà phê ưa thích. Trên tường của quán ăn La Cocinita del Medio, một bức ảnh nhỏ của Pep được treo rất trang trọng, kỷ niệm một trong số rất nhiều lần ông đến đây ăn trưa sau thời gian tập buổi sáng.

Chủ quán Bracamontes với tấm ảnh chụp Guardiola ở trên tường. (Ảnh: The Guardian)

“Ông ấy luôn chỉn chu và hào phóng”, chủ quán Jose Luis Bracamontes nhớ lại. “Pep thường đến đây cùng vài đồng đội nhưng ông ấy không bao giờ để người khác phải trả tiền. Thỉnh thoảng sau khi ăn xong, ông ấy còn tự tay mang đĩa của mình vào bếp”.

Dù biết ngôi sao người Tây Ban Nha không thực sự thích những món ăn Mexico cay xé lưỡi nhưng chủ quán Bracamontes tin rằng Guardiola đã thích nghi rất nhanh với cuộc sống ở thành phố đầy rẫy tội phạm này – nơi mà chính nước Mỹ cũng phải hạn chế nhập cảnh với những người đến từ đây.

Thời điểm Guardiola đến thành phố này là vào năm 2005. Khi đó, chính quyền Mexico đã phải huy động quân đội để trấn áp các băng nhóm tội phạm. Cho đến nay, “cuộc chiến” này vẫn chưa kết thúc dù nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người.

Đường hầm ở một trong những ngôi nhà của trùm ma túy El Chapo tại Culiacan. (Ảnh: Business Insider)

Khi mới đặt chân đến Mexico, Guardiola sống một mình trong một khách sạn. Một thời gian sau, gia đình ông mới chuyển đến đây. Dù sống ở một thành phố phức tạp như vậy, nhưng Guardiola chưa bao giờ yêu cầu đội bóng phải có biện pháp đảm bảo an ninh cho mình.

“Ông ấy đến khi thành phố đang bước vào giai đoạn khó khăn”, ông Bracamontes nói. “Đó là một năm đầy bạo lực với Culiacan. Súng nổ ở khắp nơi trên đường phố. Nhưng ông ấy chẳng bao giờ nhắc đến hay lo lắng về điều đó.”

Một trong những người bạn thân nhất tại Mexico của Guardiola là Rodolfo Jimenez – chủ của một quán cà phê nhỏ bé nhưng lâu đời có tên Café Miró. Hai người thường xuyên trao đổi sách, chia sẻ về tình yêu với nhạc Catalan và nhà soạn nhạc Lluis Llach. Sau này, Guardiola từng mời Jimenez đến thăm gia đình ông ở New York trong thời gian nghỉ phép vào năm 2013.

“Ông ấy thường đến đọc sách, uống một chai bia hoặc một ly rượu,” – Jimenez nhớ lại. “Vào thời điểm đó, ông ấy không hình dung ra điều gì sẽ đến với mình. Ông ấy nói với tôi rằng giấc mơ của mình chỉ đơn giản là được huấn luyện đội trẻ Barcelona mà thôi”.

Guardiola trong màu áo Dorados. (Ảnh: Goal)

Mùa giải đó, Dorados xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng – thứ hạng cao nhất mà đội bóng này giành được trong lịch sử. Bình thường, đó là vị trí cho phép họ tham dự vòng knock-out của giải đấu. Nhưng theo luật cũ của giải VĐQG Mexico, đội bóng có điểm trung bình thấp nhất sau 3 mùa giải sẽ bị xuống hạng. Bởi vậy, Dorados vẫn phải xuống chơi ở giải hạng Hai.

Đó là cái kết buồn cho sự nghiệp cầu thủ huy hoàng của Guardiola.

“Ông ấy rất đau khổ, bởi chúng tôi đã đến rất gần với ngưỡng cửa trụ hạng”, Jimenez nói. “Đó là những ngày tháng khó khăn. Nhưng rồi ông ấy vẫn chạm đến vinh quang chỉ 3 năm sau đó với chức vô địch Champions League”.

Cuối năm 2011, khi đã trở thành một trong những HLV thành công nhất của bóng đá hiện đại với 3 chức vô địch La Liga cùng 2 danh hiệu Champions League, Guardiola mới nhìn lại quãng thời gian ở Mexico và nhắc đến Lillo như là “người khai sáng” cho những bước đi của ông sau này: “Tôi luôn tôn trọng và cảm thấy gần gũi với Lillo. Ông ấy luôn truyền đạt những kiến thức có được cho tôi”.

Lillo và Pep sau trận đại thắng 8-0 của Barcelona trước Almeria. (Ảnh: Semana)

Không may là trên sân cỏ, Guardiola không bao giờ nhượng bộ với người từng là thầy của mình. Họ đã gặp nhau ở Tây Ban Nha hồi tháng 11/2010. Khi đó, Barcelona hùng mạnh của Pep đã nghiền nát Almeria của Lillo với tỉ số 8-0. Lillo bị sa thải ít giờ sau trận đấu đó. Dù vậy, ông luôn khẳng định mình không có thù hằn gì với cậu học trò cũ.

“Được chứng kiến Guardiola trưởng thành và gặt hái vinh quang là một trải nghiệm vô cùng thú vị”, Lillo nói. “Cậu ấy giống như con trai tôi vậy”.

(theo The Guardian)