Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn, đại diện Công ty cổ phần Thiết bị và Truyền thông (NGS).
Thay mặt bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo công tác Chuyển đổi số và Ban triển khai ERP, Chánh Văn phòng PetroVietnam Trần Bình Minh đã báo cáo công tác triển khai và thực hiện Chuyển đổi số (CĐS) năm 2022 cùng kế hoạch, lộ trình triển khai trong thời gian tiếp theo.
Đối với công tác CĐS: Đã xây dựng và ban hành 05 văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh, triển khai đồng bộ công tác CĐS; xây dựng và Ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS của Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Về chiến lược CĐS PVN: Phê duyệt tầm nhìn số PVN: “Chuyển đổi số hỗ trợ và thúc đẩy quá trình dịch chuyển mô hình kinh doanh, tối ưu phương thức hoạt động và nâng cao năng lực quản trị vận hành trên toàn PVN”; Phê duyệt lộ trình CĐS PVN giai đoạn 2022-2026 gồm 4 nhóm giải pháp với 32 sáng kiến số. Phân công Ban điều hành phụ trách triển khai các sáng kiến số; Xây dựng và đề xuất Mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động phối hợp của bộ phận chuyên trách CĐS PVN (DCoE).
Về “Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Công ty mẹ PVN – Giai đoạn 1”: Chính thức vận hành các phân hệ nghiệp vụ đợt 1 ngày 31/03/2022 gồm: Tài chính – Kế toán, quản lý danh mục dự án đầu tư và báo cáo quản trị; Hoàn thành các công tác chuẩn bị (Thiết kế/xây dựng hệ thống, kiểm thử người sử dụng, chuẩn bị dữ liệu phục vụ chuyển đổi) cho chính thức vận hành các phân hệ nghiệp vụ đợt 2 ngày 30/06/2022 gồm: Quản lý kế hoạch và ngân sách, hợp nhất báo cáo tài chính; Xây dựng quy trình nghiệp vụ tương lai, quy chế vận hành các phân hệ nghiệp vụ để xem xét, ban hành trong nội bộ.
Xây dựng hồ sơ mời thầu cho cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò - khai thác Dầu khí (E&P DB); Hoàn thành số hóa bộ quy chế quản trị nội bộ, ứng dụng thông minh AI để hỗ trợ tìm kiếm và tra cứu. Tiến hành rà soát và tối ưu bộ quy chế quản trị; Xây dựng hệ thống quản lý lịch làm việc và phòng họp tại Cơ quan Tập đoàn; Nâng cấp tính năng, triển khai ứng dụng di động (mobile app) cho hệ thống quản lý văn bản (idoc), triển khai chữ ký số toàn diện; Triển khai số hóa các quy trình hành chính quản trị của văn phòng; Triển khai thử nghiệm giải pháp trao đổi thông tin nội bộ (PVN Team).
Hoàn thành triển khai Hệ thống mạng riêng (không kết nối Internet); Rà soát, đánh giá 12 đơn vị thành viên của Tập đoàn về mức độ trưởng thành số; Đảm bảo an toàn an ninh mạng 2022: Xử lý 02 sự cố an ninh thông tin 2 sự cố mức cao), xử lý 3 lần tấn công qua hình thức gửi email Phishing và xử lý 5415 cảnh báo; Hoàn thành triển khai bộ công cụ văn phòng MS Office 365 E3, bổ sung bản quyền SQL Server; Thực hiện công tác truyền thông và đào tạo về CĐS: Tổ chức 4 khóa đào tạo chuyên đề về CĐS, tổ chức hơn 70 cuộc hội thảo nội bộ với ban/đơn vị thành viên về CĐS, triển khai mục thông tin chuyên đề CĐS và thường xuyên cập nhật trên trang Web nội bộ PVN (Intranet)…
Theo lộ trình thực hiện giai đoạn 2022-2026, công tác CĐS cần ưu tiên tập trung vào kiện toàn năng lực và cơ cấu tổ chức thực hiện công tác CĐS như: Thành lập Bộ phận chuyên trách CĐS PVN; Xây dựng, triển khai, vận hành Trung tâm quản trị & điều hành thông minh PVN, kết hợp triển khai Trung tâm trải nghiệm số; Phối hợp sản xuất nội dung truyền thông và đào tạo, thực hiện quản lý chuyển đổi; Phối hợp tổ chức các sự kiện về CĐS…
Tiến hành số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ: Triển khai hệ thống ERP - Giai đoạn 1: Các phân hệ lõi tài chính kế toán và quản lý danh mục dự án đầu tư; Triển khai hệ thống ERP - Giai đoạn 2: Quản trị nguồn nhân lực và quản lý công tác đào tạo; Triển khai hệ thống ERP – Giai đoạn 3: Quản lý rủi ro; Tự động hóa quy trình nội bộ; Phân tích năng suất lực lượng lao động…
Xây dựng CSDL Petrovietnam: Xây dựng mô hình quản trị dữ liệu PVN; Xây dựng CSDL quản trị, điều hành toàn Tập đoàn; Xây dựng CSDL trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí (E&P), Điện và Năng lượng tái tạo, công nghiệp khí, lọc hóa dầu, dịch vụ dầu khí…
Xây dựng, triển khai các nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin và bảo mật: Xây dựng mô hình CNTT tổng thể - Enterprise Architecture; Tăng cường bảo mật an ninh mạng; Triển khai giải pháp quản lý định danh và truy cập (IAM); Nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ ứng dụng trong nhà máy thông minh…Bên cạnh đó, làm việc với Zarubezhneft tham khảo Trung tâm điều hành sản xuất; làm việc với Microsoft về CĐS và chuẩn bị bản ghi nhớ hợp tác (MOU); làm việc với Viettel trong thỏa thuận hợp tác chiến lược và chuẩn bị thành lập các tổ công tác hỗn hợp liên quan CĐS; tham gia tổ công tác thực hiện đề án đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh CMCN 4.0 của Bộ Công thương
Đối với công tác CĐS trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ thực hiện triển khai theo hợp đồng triển khai ERP - Giai đoạn 1 đó là: Chính thức triển khai (Go-live) các phân hệ nghiệp vụ lần 2 (Hợp nhất báo cáo tài chính, quản lý kế hoạch và ngân sách); Hoàn thiện chuyển đổi dữ liệu, cập nhật đầy đủ số liệu quá khứ cho các phân hệ nghiệp vụ, chính thức vận hành real-time hệ thống Kết thúc hỗ trợ vận hành, nghiệm thu công việc tư vấn triển khai và nghiệm thu hợp đồng.
Với gói thầu “Triển khai phần mềm ứng dụng quản trị nguồn nhân lực và quản lý công tác đào tạo”: Phê duyệt hồ sơ mời thầu và mời thầu gói thầu “Triển khai phần mềm ứng dụng quản trị nguồn nhân lực và quản lý công tác đào tạo”; Hoàn thiện đánh giá lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng triển khai gói thầu.
Tại buổi họp, các đại biểu tham dự đã báo cáo, trao đổi, đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị đối với lộ trình triển khai CĐS và ERP của Tập đoàn trong thời gian tới và đồng thời làm rõ, đề xuất phương án tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác CĐS và ERP tại các Ban, Văn Phòng Tập đoàn.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng kết luận cuộc họp |
Phát biểu kết luận tại buổi họp, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đánh giá sự cố gắng, nỗ lực của các Ban/Văn phòng Tập đoàn với Ban chỉ đạo công tác CĐS, Ban triển khai ERP. Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Với dữ liệu của Petrovietnam nhiều, ngày càng lớn và không có cấu trúc nên không có cách nào khác Petrovietnam phải sử dụng công nghệ số.
Đặc biệt, với quy mô ngày càng lớn, biến động ngày càng nhanh thì chúng ta không có cách nào khác phải kết nối lại với nhau, phải xây dựng CSDL lớn (Bigdata), đồng thời phải sử dụng các công nghệ Điện toán đám mây (Cloud), Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI)…; Cần đẩy mạnh công tác truyền thông triển khai đồng bộ trong Tập đoàn, các đơn vị về Văn hóa số, trong đó phải nhận thức rõ trọng tâm, nền tảng của văn hóa số là: văn hóa chia sẻ, văn hóa sáng tạo, văn hóa nỗ lực học tập không ngừng”.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị, cần rà soát lại mục tiêu và lộ trình của công tác CĐS trong Tập đoàn và trong từng lĩnh vực như công nghiệp khí, lọc hóa dầu…; kiện toàn lại kiến trúc mô hình triển khai CĐS của Tập đoàn một cách đồng bộ, thống nhất; về công tác nhân sự chủ chốt trong sơ đồ tổ chức cần đảm bảo đủ nhân lực cấp cao, có chuyên môn sâu, kinh nghiệm cho công tác CĐS;
đẩy mạnh kế hoạch đào tạo, truyền thông, quán triệt về các nội dung, mục tiêu, lộ trình và cách thức triển khai đối với công tác CĐS của từng lĩnh vực và kết nối với các đơn vị trong quá trình thực hiện; sớm xây dựng quy trình vận hành và phân công trong nội bộ về công tác CĐS; yêu cầu các Ban, các lĩnh vực phải có nhân sự làm công tác đầu mối thực hiện CĐS; đề nghị Ban Truyền thông và văn hoá doanh nghiệp phối hợp với Văn phòng Tập đoàn sớm tổ chức hội nghị CĐS Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN DIGITAL DAY) trao đổi, chia sẻ về quản trị doanh nghiệp và CĐS đối với người lao động Cơ quan Tập đoàn và lãnh đạo chủ chốt các đơn vị nhằm tạo sự thay đổi, chuyển biến trong công tác CĐS với tinh thần phối hợp, quyết tâm cao trong CĐS.