Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí (tự nhiên và LNG) đến năm 2030 sẽ đạt hơn 37 nghìn MW, tương ứng gần 1/4 tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án trọng điểm quốc gia do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) triển khai. |
Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới cũng định hướng phát triển công nghiệp khí giữ vai trò nền tảng, đồng thời ưu tiên phát triển nhiệt điện khí, các dự án điện LNG cũng như hướng tới xây dựng các trung tâm năng lượng tích hợp khí – LNG – điện cùng các dạng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo khác.
"Mở đường" phát triển cho điện khí LNG
Hồi tháng 10, PetroVietnam đã cùng các đơn vị thành viên ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, biên bản ghi nhớ (MOU) cung cấp LNG cho dự án Nhà máy điện LNG Quảng Trạch II với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đây là những hợp đồng, biên bản mang ý nghĩa quan trọng, “mở đường” cho việc đàm phán PPA các dự án điện sử dụng khí LNG khác trong Quy hoạch điện VIII.
Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là dự án trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power), đơn vị thành viên của Petrovietnam, là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1,4 tỉ USD, công suất 1.624 MW. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng turbine khí hiện đại, có công suất và hiệu suất cao nhất hiện nay. Dự kiến khi chính thức phát điện thương mại, dự án sẽ bổ sung hơn 9 tỉ kWh điện thương phẩm/năm cho hệ thống điện quốc gia.
Trong quá trình đầu tư một dự án nhà máy điện, thì hợp đồng mua bán điện (PPA) là một trong những hợp đồng quan trọng nhất, cùng với các cam kết mua điện dài hạn (Qc) và xác định khung giá điện, đây là những yếu tố quan trọng để các dự án có thể triển khai thuận lợi, hiệu quả và tiến tới vận hành thương mại.
Do là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG đầu tiên tại Việt Nam nên quá trình đàm phán PPA đối với dự án Nhơn Trạch 3&4 đã diễn ra rất khó khăn bởi chưa hề có tiền lệ. Việc ký kết hợp đồng PPA ban đầu sẽ giúp PV Power có thể sớm ký hợp đồng mua bán khí (GSA) gắn với khối lượng LNG mua hàng năm, thời hạn xác nhận, kế hoạch giao nhận khí ổn định với giá khí hợp lý nhất. Ngoài ra, hợp đồng PPA của dự án còn là điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng quốc tế xem xét cho PV Power vay vốn triển khai dự án.
Sau một quá trình dài triển khai đàm phán PPA từ năm 2019 với nhiều ý kiến trao đổi, với sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của các Bộ, Ban, Ngành và Petrovietnam, sự phối hợp chặt chẽ của EVN, quá trình đàm phán PPA giữa PV Power và Công ty mua bán điện (EVNEPTC), đơn vị được EVN ủy quyền, đã diễn ra trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích Quốc gia.
Việc ký kết hợp đồng PPA cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 không chỉ đánh dấu cột mốc và điều kiện quan trọng để Dự án đi vào hoạt động thương mại mà còn “mở đường”, định hướng cho việc đàm phán PPA các dự án điện sử dụng khí LNG khác trong Quy hoạch điện VIII.
việc ký kết PPA Nhơn Trạch 3&4 và MOU cung cấp khí LNG chính là những bước đi đầu tiên trong việc hiện thực hóa tinh thần của Kết luận số 76-KL/TW, Quy hoạch Điện VIII cũng như tạo động lực để các dự án điện khí trong tương lại có cơ sở, căn cứ thực hiện, hướng tới việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời kỳ mới và các mục tiêu chuyển dịch năng lượng, thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ.
Giải bài toán thiếu điện
Trong thời gian qua, việc phát triển các nhà máy điện khí/LNG ở nước ta hết sức khó khăn, hầu hết các dự án chậm tiến độ hoặc “dậm chân tại chỗ” trong bối cảnh huy động điện khí ngày càng giảm sút, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác khí cũng như hoạt động của các nhà máy điện. Cùng với đó, việc đầu tư các dự án mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, không đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, không thu hút được vốn đầu tư.
Trong 9 tháng năm 2024, mặc dù tiêu thụ điện cả nước có mức tăng trưởng cao nhưng huy động điện khí lại giảm mạnh cả về tỷ trọng và số tuyệt đối so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình 9 tháng, tỷ trọng huy động điện khí trong nguồn điện cả nước chỉ còn 7,4%, so với mức 10% của cùng kỳ năm 2023.
Việc triển khai các dự án điện khí/LNG mới gặp khó khăn do không có bão lãnh Chính phủ, khó có thể thu xếp vốn, các tổ chức tín dụng yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết sản lượng bao tiêu (Qc) dài hạn để có thể đánh giá hiệu quả dự án; quá trình đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) kéo dài; từ đó chưa thể đàm phán được Hợp đồng mua bán khí (GSA) dài hạn; các cơ chế về giá khí, giá điện,… chưa có, hoặc không đáp ứng.
Trong khi đó, với các nhà máy điện LNG, chi phí LNG chiếm từ 75%-85% thành phần giá biến đổi. Giá LNG đóng vai trò quan trọng, việc không có cam kết Qc dài hạn dẫn đến không có cơ sở để đàm phán Hợp đồng mua bán khí dài hạn, không có được lợi thế về giá cũng như nguồn cung ổn định mà theo tính toán, giá mua LNG theo hợp đồng dài hạn so với ngắn hạn có thể chênh lệch đến 73% nếu cam kết mua dài hạn chỉ 20%, so với cam kết mua dài hạn 90%.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình triển khai các dự án quan trọng của PetroVietnam và EVN để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%.
Năm 2025, nhu cầu điện tăng khoảng 12-13%, tương đương tăng thêm từ khoảng 2.200- 2.500MW công suất. Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không được để thiếu điện cho năm 2025.
Sản xuất điện của Dự án Nhơn Trạch 2 đạt gần 54 tỷ kWh từ khi vận hành thương mại. (Nguồn: PVN) |
Bên cạnh các nguồn điện đang được bổ sung thì điện chạy khí LNG là một trọng tâm đầu tư. Định hướng trong Quy hoạch điện VIII, tính đến 2030, tổng công suất các nhà máy điện LNG có thể đạt 22.400MW, chiếm xấp xỉ 26,5% so với công suất đặt thời điểm hiện tại của hệ thống điện; hằng năm sản xuất xấp xỉ 83,5 tỉ kWh, chiếm xấp xỉ 29,6% sản lượng điện của năm 2023.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, trong số 14 dự án điện LNG theo Quy hoạch điện VIII, chỉ có nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 (đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) ở giai đoạn hoàn thiện. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, do PV Power làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1,4 tỉ USD, công suất 1.624MW. Khi chính thức phát điện thương mại, dự án sẽ bổ sung hơn 9 tỉ kWh điện thương phẩm/năm cho hệ thống điện, đem lại doanh thu từ 17.000 - 18.000 tỉ đồng/năm.
Dự kiến, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 sẽ chính thức phát điện thương mại vào tháng 11/2024 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 là tháng 5/2025.
Nhiều siêu dự án tỉ USD khác vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi công. Dự kiến Quý III/2024, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trị giá 2,272 tỉ USD sẽ khởi công.
Mới nhất, HĐND Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết danh mục khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn, trong đó có dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập có công suất 1.500MW. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2,15 tỉ USD và dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030.
Sớm được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điện khí LNG sẽ thực sự trở thành một yếu tố then chốt trong hệ thống năng lượng quốc gia, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững cho Việt Nam trong tương lai.