Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Khai giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2023 khu vực TP. Vũng Tàu. (Nguồn: PVN) |
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đảng ủy Tập đoàn) đã thực hiện đổi mới, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận ngắn gọn, thiết thực, cụ thể, sát với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt là trong mỗi hạng mục Đảng ủy Tập đoàn đều lãnh đạo và tổ chức thực hiện có kết quả.
Từ "đổi mới" công tác chính trị, tư tưởng
Trước tiên, về việc đổi mới công tác chính trị, tư tưởng, công tác giáo dục lý luận chính trị, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, Đảng ủy Tập đoàn đã tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, sinh hoạt chính trị bằng hình thức trực tuyến. Sự đổi mới này đã tiết kiệm được thời gian, kinh phí, tạo sự thống nhất định hướng, cung cấp thông tin kịp thời, nhất quán trong toàn Đảng bộ.
Trong đó, Đảng bộ Tập đoàn tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm quán triệt, triển khai các chủ trương lớn, bàn các giải pháp, trao đổi ý kiến sao cho dân chủ nhất, đồng thời phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương và cả giới truyền thông để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Tập đoàn.
Mặt khác, Đảng ủy Tập đoàn đã xây dựng phong cách làm việc khoa học, duy trì chế độ làm việc của cấp ủy, Ban Thường vụ theo đúng quy chế làm việc. Trong đó, nội dung các phiên họp được chuẩn bị kỹ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng. Sau đó thống nhất ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện.
Đảng ủy Tập đoàn cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc; Thực hiện công khai các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ, đồng thời khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động tham gia giám sát, bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục về công tác cán bộ.
Hiện nay, tại Tập đoàn, hầu hết các đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy đều đồng thời là chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên/hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc của doanh nghiệp. Cùng với công tác chuyển đổi số, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cũng đổi mới trong việc xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Mỗi nội dung Đảng ủy Tập đoàn đưa ra về sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng chính trị… đều có trọng tâm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Về công tác quản trị và quản lý doanh nghiệp, Đảng ủy cùng lãnh đạo Tập đoàn đã tích cực tham mưu hoàn thiện thể chế cho hoạt động dầu khí cũng như hoàn thành báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 41 của Tập đoàn bảo đảm nội dung và tiến độ theo yêu cầu của Ban Kinh tế Trung ương; Tiếp tục bám sát, phối hợp chặt chẽ với Tổ Biên tập Ban Kinh tế Trung ương để hoàn thành báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 41 và định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2045. Đáng chú ý là đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong thực tế và phương hướng, cơ chế chính sách cần tháo gỡ để thúc đẩy Tập đoàn phát triển thành Tập đoàn năng lượng quốc gia.
Nhập khẩu LNG để gia tăng nguồn năng lượng và góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải CO2. (Nguồn: PVN) |
Tập đoàn đã xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 báo cáo cấp thẩm quyền. Trên cơ sở chiến lược phát triển cụ thể từng lĩnh vực đã trình, hằng năm Tập đoàn tổ chức triển khai theo đúng mục tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả trong giai đoạn 2020-2022, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, Đảng ủy Tập đoàn cũng chủ động, tích cực đóng góp ý kiến, tham mưu cấp thẩm quyền trong xây dựng Luật Dầu khí năm 2022, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển cũng như phát triển năng lượng quốc gia.
Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đang hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động được ban hành kèm theo Nghị định số 07/2018/NĐ-CP ngày 10/1/2018 của Chính phủ; trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số bất cập, khó khăn.
Tập đoàn đã tham mưu xây dựng Điều lệ mới thay thế Điều lệ hiện nay nhằm đảm bảo phù hợp với hệ thống quy định pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã triển khai hoàn thiện Bộ quy chế quản trị nội bộ trên cơ sở cập nhật các quy định pháp luật mới ban hành, phù hợp với yêu cầu quản trị của Tập đoàn.
Trong hơn 2 năm qua, Đảng ủy Tập đoàn vẫn tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Tập đoàn đã xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên với 6 nội dung trọng tâm (Mô hình tổ chức; mô hình quản trị; mô hình kinh doanh; mô hình đầu tư; mô hình tài chính; nguồn nhân lực) phù hợp với quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp theo Chiến lược phát triển cập nhật của Tập đoàn.
Hiện, Tập đoàn đang tiếp tục phối hợp với các bộ/ngành để sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án để làm cơ sở triển khai thực hiện. Về công tác cơ cấu lại các đơn vị thành viên, Tập đoàn đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại của 8/12 đơn vị thành viên nắm cổ phần chi phối.
Đặc biệt, Tập đoàn đã tập trung triển khai và xây dựng danh mục sản phẩm và chiến lược phát triển thị trường các sản phẩm nhằm tối ưu hóa nguồn lực giữa các đơn vị thành viên và phát huy thế mạnh, nâng cao lợi thế cạnh tranh của từng đơn vị. Trải qua những năm tháng biến động do giá dầu thấp kéo dài, đặc biệt là ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến sản xuất và tiêu thụ xăng dầu, Tập đoàn đã rút ra nhiều bài học và những phương án xử lý khủng hoảng.
Trên thực tế, nhiều biến động liên tục tại Tập đoàn khi cả hai nhà máy lọc hóa dầu trong nước phải đối mặt với cảnh đóng cửa bởi sản phẩm không tiêu thụ được trong dịch Covid-19 do lệnh phong tỏa để phòng chống dịch, hay tình trạng đứt gãy cung ứng xăng dầu, thiếu điện,.., nếu không có những chỉ đạo sáng suốt của Đảng ủy Tập đoàn, quyết sách và điều hành kịp thời linh hoạt của Ban Tổng Giám đốc, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị trong Tập đoàn thì khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một trong những giải pháp đột phá là quản trị biến động, hình thành chuỗi liên kết, qua đó tối ưu nguồn lực, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm hướng đến phát triển bền vững hệ sinh thái PetroVietnam.
Trong các chuỗi liên kết giá trị, Công ty mẹ - Tập đoàn giữ vai trò định hướng, dẫn dắt toàn hệ thống trong phát triển các chuỗi liên kết chủ yếu thông qua quản trị về con người, tài chính và chuyển đổi số. Giai đoạn 2020-2023, Tập đoàn đã triển khai có kết quả 10 chuỗi liên kết: Chuỗi hợp tác sản xuất xăng nền RON91, DO sản phẩm đáy giữa PV GAS và PVOIL; Chuỗi năng lượng tái tạo giữa PV Power và PVFCCo, PVCFC; Hợp tác với PVOIL trong công tác mua bán dầu thô Việt Nam, nhập khẩu dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất;
Hợp tác với PVTrans trong công tác vận chuyển dầu thô; Dịch vụ của PVOIL tiếp nhận, gia công, pha chế, bảo quản và bơm rót xăng E5 cho BSR; Dịch vụ bảo hiểm của PVI đối với vận chuyển dầu thô và sản phẩm, tài sản, vận hành và tài sản khác; Hợp tác giữa BSR, PVNDB, PVOIL trong dịch vụ tiếp nhận, bảo quản và tiêu thụ xăng dầu tại kho xăng dầu; Nhập khẩu ủy thác xăng dầu cho Vietsovpetro và các JOC; Dịch vụ hỗ trợ nhân lực cho các công tác chạy thử và dịch vụ bảo dưỡng trong và ngoài nước; Hợp tác giữa PV Drilling và PTSC cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực E&P...
Hiện nay, Tập đoàn đang tập trung nghiên cứu triển khai 22 chuỗi liên kết giá trị, trong đó có 2 chuỗi sản xuất nhằm phát triển các sản phẩm theo hướng gia tăng chế biến sâu của PVFCCo, PVCFC và 20 Chuỗi liên kết đầu tư (7 chuỗi thuộc Khối E&P; 3 chuỗi thuộc Khối Khí - Điện-Đạm); 8 chuỗi thuộc Khối Lọc hóa dầu và sản phẩm xăng dầu, hóa chất và 2 chuỗi thuộc Khối Năng lượng tái tạo.
Có thể thấy rằng, việc làm “mới” phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng tại Tập đoàn đã có nhiều thay đổi từ hình thức đến nội dung. Các chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ Đảng ủy Tập đoàn đến các đơn vị thành viên đều nhanh hơn, hiệu quả hơn và gắn chặt với từng hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác xây dựng Đảng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam từ bồi dưỡng chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo của Đảng đang trở thành những công việc hằng ngày, hằng giờ.
Thực tế đã chứng minh, trong gian khó, các cán bộ đảng viên, người lao động Tập đoàn càng gắn bó chặt chẽ, cảm thông để cùng hướng về một mục tiêu chung tay dựng xây PetroVietnam vượt qua mọi thách thức, phát triển bền vững, thực sự trở thành một trụ cột của đất nước.