📞

PetroVietnam thích nghi trong xu hướng năng lượng mới

Khánh Linh 05:30 | 29/05/2023
Nhiều hoạt động liên quan đến điện gió ngoài khơi đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) triển khai trong thời gian gần đây với mục tiêu giữ một vị trí vững chắc trong quá trình chuyển dịch năng lượng của đất nước.
PetroVietnam xây dựng Chiến lược sản xuất khí hydro từ điện gió ngoài khơi nhằm góp phần giảm lượng khí thải nhà kính và kiến tạo một tương lai xanh hơn. (Nguồn: PetroVietnam)

Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam rất lớn, nên cần quan tâm xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư thúc đẩy sản xuất trong nước chuỗi sản xuất – cung ứng thiết bị nhằm phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi và xuất khẩu trong khu vực…

Năng lượng mới có vai trò quan trọng trong Quy hoạch điện VIII

Là một trong sáu nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trên cơ sở các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP).

Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Trong đó, đề xuất phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Phát huy lợi thế sẵn có, chọn hướng đi tích cực, phù hợp

Theo nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ ba, với chủ đề “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam”, ngày 12/5, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó.

Một dự án điện gió ngoài khơi cần 6-7 năm (từ khi khảo sát đến lúc xây dựng xong), mặc dù, các thiết bị chính phải nhập khẩu, nhưng những thiết bị phụ trợ Việt Nam có thể tự sản xuất. Việt Nam cần sẵn sàng tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng cho điện gió đầy tiềm năng.

Với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, PetroVietnam đã có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện cả về quy mô và chiều sâu, hoàn chỉnh đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, đến công nghiệp khí, lọc hóa dầu, điện, khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Trong đó, nhiều hoạt động liên quan đến điện gió ngoài khơi đã được PetroVietnam triển khai trong thời gian gần đây với mục tiêu giữ một vị trí vững chắc trong quá trình chuyển dịch năng lượng của đất nước.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng thành viên Hoàng Quốc Vượng, PetroVietnam có nhiều thuận lợi để triển khai phát triển điện gió ngoài khơi nhờ tiềm lực tài chính tốt, khả năng thu xếp vốn thuận lợi với hệ số tín nhiệm cao và có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính xanh, vốn vay lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài cũng như các ưu đãi khác của Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển năng lượng xanh, sạch.

Cụ thể, là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí với địa điểm hoạt động trên biển là chính, PetroVietnam và các đơn vị thành viên được cho là có lợi thế nhất tại Việt Nam khi thực hiện các công trình trên biển từ nhiều khía cạnh, như nhân lực, chế tạo, vận hành và cả an ninh - quốc phòng.

Bởi vậy, phát huy lợi thế sẵn có để tham gia chuỗi cung ứng và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành sản xuất điện nhằm tạo tiền đề phát triển năng lượng hydro trong tương lai mà PetroVietnam đặt ra được cho là hướng đi tích cực và phù hợp. Trong đó, cần đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án, sẵn sàng làm chủ công nghệ để thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp trên thế giới, khu vực và nắm bắt cơ hội trong tương lai.

Trước mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi nhằm tận dụng đường bờ biển dài và cơ sở vật chất sẵn có của PetroVietnam, một số đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã vào cuộc rất khẩn trương, điển hình là Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Ngay từ Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của PTSC đã thông qua Nghị quyết về việc PTSC trở thành nhà phát triển/nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi. Mục tiêu được PTSC đặt ra là đưa điện gió ngoài khơi trở thành dịch vụ kinh doanh cốt lõi, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty; làm chủ về công nghệ thiết kế; làm nhà cung cấp hàng đầu dịch vụ kỹ thuật tại Việt Nam và trong khu vực; trở thành nhà đầu tư/nhà phát triển lớn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu này, PTSC đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam bộ, như vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm. Bên cạnh đó, PTSC cũng cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị vận hành và bảo dưỡng tại dự án Điện gió Bình Đại - Bến Tre và dự án Điện gió tại Trà Vinh…

Tại thị trường nước ngoài, PTSC đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo hai trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation - OSS) cho dự án Điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và 3 tại Đài Loan (Trung Quốc).

Tổng doanh thu bình quân của PTSC đạt khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của đội ngũ hơn 8.000 người lao động đạt khoảng 1.000 USD/người/tháng.

Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho hay, PTSC hiện là đơn vị của PetroVietnam có đầy đủ cơ sở pháp lý và năng lực trong việc triển khai và phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.

PTSC đã, đang và sẽ dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng và thiết bị, bao gồm hạ tầng cảng biển, hệ thống kho bãi chế tạo, hệ thống máy móc chế tạo chuyên dụng, đặc biệt là tăng cường các chương trình đào tạo về kiến thức và tay nghề chuyên ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi cho nguồn nhân lực của PTSC.

“Bên cạnh đó, PTSC cũng đang đẩy mạnh việc hợp tác toàn diện với nhiều đối tác là các tập đoàn năng lượng hàng đầu trên thế giới nhằm giúp PTSC củng cố năng lực cả về mặt kỹ thuật chuyên ngành, năng lực tài chính lẫn năng lực quản lý và triển khai dự án để sẵn sàng đón nhận và tham gia đầu tư phát triển, triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi”, ông Cường thông tin.