Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu, đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố; các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cơ quan hợp tác phát triển của một số nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội; các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trong và ngoài nước.
Hội nghị là hoạt động triển khai sáng kiến liên kết khai thác tiềm năng phát triển du lịch của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững vùng Tây Bắc; nhằm hỗ trợ các địa phương vùng Tây Bắc thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, viện trợ phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng, nhất là trong lĩnh vực du lịch; cung cấp thông tin cụ thể về tình hình phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu phát triển của các địa phương Tây Bắc cho các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế (UNDP, World Bank, ADB, IMF, JICA…) tại Việt Nam; tạo diễn đàn cho các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, đoàn Ngoại giao, cơ quan quản lý hoạt động du lịch gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư phát triển vùng Tây Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, vùng Tây Bắc hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch, từ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình với nền văn hóa của hơn 30 dân tộc rất đa dạng, phong phú và độc đáo, truyền thống lịch sử cách mạng hòa hùng, người dân thân thiện, mến khách. Theo Phó Thủ tướng, Liên kết du lịch chính là hướng đi quan trọng để khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, từng thôn bản, biến các giá trị thiên nhiên, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thành sức mạnh tổng hợp thu hút du lịch, hướng tới phát triển ngành du lịch một cách bền vững và lâu dài.
Tăng cường liên kết phát triển du lịch cũng là một trong 5 nội dung chính của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tham dự Hội nghị, Lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên… đã có các bài tham luận với nhiều đề xuất thiết thực nhằm nâng cao khả năng khai thác các tiềm năng của tỉnh và tăng cường hợp tác liên kết du lịch trong vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn đã khẳng định, để thực hiện được các mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo, thì giải pháp về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015. Vì vậy Hội nghị này sẽ là cơ hội để tỉnh Điện Biên giới thiệu tổng quan về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, những cơ chế chính sách ưu đãi nhà đầu tư được hưởng khi đầu tư vào tỉnh Điện Biên; đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên luôn sẵn sàng đón nhận và cam kết tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội và xúc tiến các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những lĩnh vực được xác định là tiềm năng, lợi thế trên tinh thần hợp tác cùng phát triển.
Đại diện các tổ chức như Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB)... đều đánh giá khu vực Tây Bắc, mặc dù có nhiều lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành du lịch tại khu vực này tuy nhiên việc phát triển du lịch tại Tây Bắc hiện nay vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng sẵn có do lượng khách du lịch chỉ đạt khoảng 1,2 triệu du khách/ năm. Vì vậy khu vực này cần tính đến việc áp dụng các mô hình phát triển liên kết du lịch mới để có thể khai thác triệt để các tiềm năng của vùng. Một trong những mô hình nổi bật mà đại diện các tổ chức này đề xuất là Phát triển du lịch trách nhiệm.
Cốt lõi của du lịch có trách nhiệm là các nguyên tắc du lịch bền vững, theo đó hướng tới việc sử dụng tối ưu các nguồn lực môi trường, tôn trọng bản sắc văn hóa – xã hội của cộng đồng địa phương, đảm bảo các lợi ích kinh tế khả thi, lâu dài được phân công cho tất cả các đối tác.
Các vị đại diện này đều thể hiện mong muốn và cam kết hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc trong việc phát triển bền vững ngành du lịch và xây dựng một thương hiệu mạnh về du lịch cho khu vực Tây Bắc.
Chiều nay, các đại biểu sẽ tham gia chương trình Gặp gỡ giữa Đoàn Ngoại giao và Lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc. Các đại biểu sẽ tập trung trao đổi các kinh nghiệm hay về phát triển du lịch, các đề xuất tăng cường hợp tác, chính sách….
Đoàn Ngọc (từ Điện Biên)