📞

Phần Lan gia nhập NATO: Tổng thống Nga thẳng thừng nói 'sai lầm'; toan tính của NATO sau khi tăng thành viên

Việt Hà 06:37 | 16/05/2022
Xoay quanh việc Phần Lan muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống nước này Sauli Niinisto mới đây có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. (Nguồn: BBC)

Ngày 15/5, Tổng thống Niinisto tuyên bố chắc chắn Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO và có thể sẽ bắt đầu quá trình này vào ngày 18/5 tới.

Trong cuộc điện đàm với ông Putin, ông Niinisto cho biết, quyết định này đã được cân nhắc một cách thận trọng và không gây bất kỳ mối đe dọa nào.

Theo nhà lãnh đạo Phần Lan, "Tổng thống Putin khẳng định rằng, đó là một quyết định sai lầm và Nga không đe dọa chúng tôi. Nhìn chung, cuộc trao đổi rất bình tĩnh và thoải mái".

Về phía Nga, Điện Kremlin cho biết, ông Putin cảnh báo người đồng cấp Phần Lan rằng, quan hệ giữa hai nước láng giềng có thể bị "ảnh hưởng tiêu cực" nếu Helsinki thực hiện kế hoạch xin gia nhập NATO, một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại truyền thống của quốc gia Bắc Âu là trung lập về quân sự.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông tin tưởng về việc có thể tìm được điểm chung để xoa dịu những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của liên minh.

Theo ông, Ankara đã làm rõ rằng không muốn cản trở nỗ lực trở thành thành viên NATO của các quốc gia Bắc Âu.

Tổng thư ký Stoltenberg nói thêm, ông muốn đẩy nhanh quá trình phê chuẩn cho Thụy Điển và Phần Lan càng sớm càng tốt và NATO sẽ tìm cách cung cấp các biện pháp đảm bảo an ninh cho giai đoạn tạm thời, bao gồm cả việc tăng cường sự hiện diện của NATO trong khu vực.

Bên cạnh đó, NATO sẽ tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực khi tư cách thành viên của hai nước đã được phê chuẩn.

Việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan được hầu hết các quốc gia thành viên ủng hộ, tuy nhiên, ngày 13/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, quốc gia thành viên NATO này không có quan điểm tích cực đối với các kế hoạch trên của hai quốc gia Bắc Âu, viện lý do hai nước này là "nơi có nhiều tổ chức khủng bố".

(theo Reuters)