Tổng thống Pháp cho rằng Israel và người Palestine nên "sống bên nhau trong các đường biên giới được công nhận và đảm bảo an ninh". Ông cũng nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế phải "được tất cả các bên tôn trọng", hàm ý nói tới hoạt động xây dựng nhà định cư liên tiếp của Israel tại các phần đất chiếm đóng của người Palestine - chính sách mà Pháp phản đối.
Trong buộc họp báo chung với Thủ tướng Netanyahu, ông Macron bày tỏ hy vọng "mọi chuyện sẽ được giải quyết để thúc đẩy hòa đàm". Các cuộc đàm phán hòa bình Israel - Palestine do Mỹ làm trung gian đã bị đình trệ từ mùa Xuân năm 2014.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo sau hội đàm tại Paris, ngày 16/7. (Nguồn: AFP) |
Thủ tướng Israel hiện đang thăm Pháp nhân 75 năm ngày đánh dấu sự kiện chính quyền Pháp thời phát xít Đức chiếm đóng tiến hành truy bắt hơn 13.000 người Do Thái để đưa vào các trại tập trung của Đức quốc xã. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Netanyahu kể từ sau lần ông tới Pháp tham gia tuần hành chung với các lãnh đạo thế giới nhằm bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân sau vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái ở Paris năm 2015.
Trước đó, ngày 12/7, ông Macron đã gặp Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với giải pháp hai nhà nước và phản đối việc Israel tiếp tục xây dựng nhà định cư trên các phần đất chiếm đóng của Palestine.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, các bộ trưởng Israel đã thông qua một dự luật nhằm cản trở chính phủ trao một phần Jerusalem cho người Palestine theo một thỏa thuận hòa bình nào đó trong tương lai. Dự luật trên, do ông Shuli Moalem-Refaeli, thuộc đảng cựu hữu Ngôi nhà Do Thái đệ trình, quy định rằng mọi ý định chuyển giao mảnh đất mà Israel coi là một phần của Jerusalem đều phải được 2/3 số nghị sĩ quốc hội phê chuẩn. Các thành viên ủy ban lập pháp cấp bộ đã thông qua dự luật này trước khi trình quốc hội thảo luận.
Israel đã chiếm Đông Jerusalem và Bờ Tây của Palestine trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn phần Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai. Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong cuộc xung đột Israel - Palestine. Chính phủ liên minh của Thủ tướng Netanyahu hiện nay được cho là chính phủ thiên hữu nhất trong lịch sử Israel. Các bộ trưởng chủ chốt đều phản đối giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine.