Google - Một trong số những ông lớn sẽ phải đối mặt với thách thức lớn với luật thuế kỹ thuật số. (Nguồn: Forbes) |
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh, chưa bao giờ một đạo luật thuế kỹ thuật số lại cần thiết như bây giờ, đồng thời nhấn mạnh các công ty kỹ thuật số vẫn hoạt động và có khả năng vượt qua khó khăn tốt hơn so với các công ty khác trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Ông Le Maire khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào, Pháp vẫn sẽ ủng hộ việc đánh thuế nhằm vào các tập đoàn kỹ thuật số trong năm 2020 dưới hình thức một thỏa thuận quốc tế nếu đạt được, hoặc của riêng Pháp nếu không đạt được thỏa thuận.
Tuyên bố của ông Le Maire được đưa ra trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến các bộ trưởng tài chính của gần 140 nước từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vốn đang đàm phán để đưa ra một đạo luật quốc tế về đánh thuế kỹ thuật số đầu tiên, phải tập trung giải quyết những khó khăn kinh tế.
Trong thời gian qua, 5 "đại gia" Mỹ là Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft với biệt danh "Big Five" đã thống trị lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu. Dù lợi nhuận khổng lồ chảy vào túi các tập đoàn này, song Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận họ chỉ trả bình quân 9% thuế trên lợi nhuận so với 23% của các công ty khác.
Để tránh nộp thuế cao, năm tập đoàn nói trên còn tìm đến các "thiên đường trốn thuế" hoặc chuyển lợi nhuận qua các nước áp thuế thấp như Ireland. Trong bối cảnh các quy tắc thuế hiện hành đã lỗi thời và thế giới chưa có thỏa thuận quốc tế về thuế, một số nước châu Âu đã chọn giải pháp xây dựng luật thuế kỹ thuật số riêng mà đi đầu là Pháp.
Pháp đã ban hành đạo luật đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số vào tháng 7 năm ngoái, theo đó áp mức thuế 3% trên doanh thu thực hiện ở Pháp thay vì trên lợi nhuận như cách thông thường và tiền thuế ước tính thu về được khoảng 400 triệu euro.
Tuy nhiên, Mỹ đã chỉ trích việc Pháp áp thuế như vậy là hành vi phân biệt đối xử, đồng thời đe dọa tăng thuế hải quan đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Pháp như phô mai, rượu vang, rượu sâm banh hoặc mỹ phẩm với tổng giá trị 2,4 tỷ USD.
Trước sức ép của Mỹ, Pháp đành phải "xuống nước" khi đồng ý hoãn đánh thuế đối với các công ty kỹ thuật số đến cuối năm 2020, bù lại Mỹ ngừng đe dọa đánh thuế hàng Pháp.