Hội nghị thượng đỉnh nhằm tiến tới một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine có thể được tổ chức theo định dạng Normandy như hồi năm 2016. (Nguồn: Sputniknews) |
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pháp ca ngợi tiến trình đàm phán trong tuần này, tiến tới một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine. Một Hội nghị thượng đỉnh có thể được tổ chức theo định dạng Normandy, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel Pháp, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Đây sẽ là Hội nghị thượng đỉnh định dạng Normandy đầu tiên kể từ năm 2016. Mục đích nhằm cố gắng chấm dứt cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng. Cuộc xung đột nổ ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, khiến mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây bị đóng băng.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, các cuộc đàm phán giữa Ukraine, Nga và lực lượng ly khai Belarus ngày 1/10 đã đạt được "tiến bộ quan trọng", với sự đồng thuận về lộ trình cho hai khu vực phía Đông Donetsk và Lugansk. Pháp đi đầu trong việc tiến hành các biện pháp ngoại giao mạnh mẽ trong những tháng gần đây.
Tổng thống Macron đã có cuộc hội đàm ngắn với Tổng thống Putin ngày 30/9 tại Paris sau lễ tang cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Trong một bài phát biểu trước Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu ngày 1/10, ông Macron đã bảo vệ mạnh mẽ những cam kết với Nga, trước những chỉ trích cho rằng, ông đã quá ưu ái Tổng thống Putin.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi không ngây thơ, chúng tôi không tự mãn và chúng tôi biết rằng Nga đã vượt qua ranh giới đỏ" trong các hành động tại Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, vẫn còn quá sớm để bàn về việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga, khi mà vẫn còn nhiều bước đi cần phải triển khai để giải quyết xung đột tại Ukraine.
Nhóm liên lạc về Ukraine hôm 1/10 đã nhất trí "thể thức Steinmeier", theo đó quy định các bên liên quan cần tổ chức các cuộc bầu cử địa phương tự do và công bằng tại Donbas, theo luật pháp Ukraine. Đổi lại, vùng này sẽ hưởng cơ chế tự trị đặc biệt.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin, bình luận về kết quả của cuộc họp Nhóm liên lạc về Ukraine ở thủ đô Minsk của Belarus, Thủ tướng Merkel nêu rõ: "Về Ukraine, chúng tôi đã đạt được tiến triển, song vẫn còn nhiều bước đi nữa cần phải triển khai. Đây là điều chúng tôi có thể nói hiện tại, song chúng tôi không thể nói rằng chúng tôi đã sẵn sàng dỡ bở trừng phạt".