Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á 2022 diễn ra vào ngày 17/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
- Thưa Ngài Mathias Cormann, Tổng Thư ký OECD,
- Thưa Quý vị đại biểu,
Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Diễn đàn Cao cấp OECD - Đông Nam Á, được tổ chức theo sáng kiến của Australia và Việt Nam trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD, với chủ đề “Kết nối các khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững”.
Việc tổ chức Diễn đàn rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt của thế giới với những chuyển biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Đặc biệt, thế giới đang cùng lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất như: bất ổn chính trị, xung đột vũ trang, hệ lụy từ dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng lương thực, năng lượng... Những thách thức đó cùng góp phần làm cho kinh tế thế giới suy thoái, gây gián đoạn và đứt gãy các chuỗi cung ứng ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu.
Bối cảnh này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần bảo đảm cân bằng chiến lược giữa thực hiện các ưu tiên trước mắt với các mục tiêu dài hạn, giữa nâng cao tự chủ chiến lược, sức chống chịu của từng nền kinh tế với thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, giữa nhu cầu phát triển của từng quốc gia với trách nhiệm chung trong các vấn đề toàn cầu. Lịch sử chứng minh rằng, nếu lựa chọn đúng đắn, chính những thời điểm bước ngoặt, cho dù có khó khăn, thách thức, sẽ là khởi nguồn cho sự phát triển bứt tốc trong tương lai.
Trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận toàn cầu, trong đó có tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quan hệ đối tác, chính là "chìa khóa" để vượt qua mọi khó khăn, hướng tới sự phát triển thịnh vượng chung cho nhân loại.
Thưa Quý vị,
Với vị trí địa chiến lược ở trung tâm khu vực trải dài từ
Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, nằm trên các tuyến giao thông hàng hải “huyết mạch”, Đông Nam Á có vai trò hết sức quan trọng trong bản đồ địa kinh tế của khu vực và thế giới, thể hiện qua một số điểm chính sau:
Thứ nhất, Đông Nam Á là khu vực của hòa bình và ổn định, của gắn kết và hợp tác, của thống nhất trong đa dạng. Các nền tảng quan trọng này đã tạo nên “bản sắc” của khu vực. Đó là: đoàn kết, đồng thuận; “đi cùng nhau để tiến xa hơn”; đề cao phối hợp chính sách.
Thứ hai, Đông Nam Á là khu vực kinh tế ngày càng lớn mạnh, năng động, có cấu trúc kinh tế đa sắc thái. Tỷ trọng thương mại – đầu tư của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030.
Thứ ba, với dân số hơn 660 triệu người, đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi, cơ cấu lao động trẻ, có sức sáng tạo và khả năng thích ứng cao, tầng lớp trung lưu gia tăng, Đông Nam Á không chỉ là điểm đến chiến lược để đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn là thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn với sức mua đến năm 2030 lên đến 4 nghìn tỷ USD.
Thứ tư, Đông Nam Á là mắt xích quan trọng của liên kết kinh tế toàn cầu; là khu vực “tâm điểm” của các FTA có quy mô lớn nhất thế giới như RCEP, CPTPP… Cùng với đó, các khuôn khổ liên kết, quản trị kinh tế mới đang được định hình ngày càng rõ nét, khẳng định tiếng nói của khu vực trong xây dựng các “luật chơi” chung.
Thứ năm, Đông Nam Á là một trong những khu vực tiên phong trong những lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... với những cam kết mạnh mẽ về trung hoà carbon; là khu vực sở hữu tiềm năng to lớn cho chuyển đổi số với quy mô thị trường dự báo lên tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Bên cạnh những tiềm năng to lớn nêu trên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận: việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Đông Nam Á chưa đạt như kỳ vọng và phải đối mặt với không ít thách thức trong tương lai.
Một là, môi trường quốc tế gia tăng bất ổn và bất định, áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao và công nghệ tiên tiến ngày càng gay gắt. Đặc biệt, khi quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai, sẽ tác động mạnh mẽ đến quyết định đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn.
Hai là, năng lực cạnh tranh tổng thể, nhất là khả năng kết nối hạ tầng nội khối chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm cung ứng toàn cầu. 9 trong 10 quốc gia Đông Nam Á có chi phí hậu cần trên GDP cao hơn so với mức trung bình toàn cầu.
Ba là, vị thế của Đông Nam Á trong chuỗi giá trị toàn cầu còn khiêm tốn. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng chủ yếu ở khâu "hạ nguồn", các ngành thâm dụng lao động, cung ứng nguyên liệu thô, tạo giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân chính là do năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực còn hạn chế, dẫn tới liên kết với các tập đoàn đa quốc gia còn lỏng lẻo.
Bốn là, áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm bộc lộ những lỗ hổng của chuỗi cung ứng trong khu vực. Sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu bên ngoài trong bối cảnh rủi ro ngày càng tăng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong các chương trình hành động trong tương lai.
Năm là thách thức về nguồn nhân lực. Lao động trình độ cao của khu vực Đông Nam Á thiếu hụt lớn, khoảng 13 triệu người/năm. Nguyên nhân chính là việc đào tạo chưa sát với nhu cầu thị trường, tỷ lệ lao động có kỹ năng số và lao động nữ còn thấp.
Thưa Quý vị,
Sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế-xã hội. Quy mô nền kinh tế đã đạt trên 360 tỷ USD (tăng 13,8 lần), là nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD năm 2021; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; thu hút FDI tăng 22 lần. Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do, ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đang có sự phục hồi kinh tế ấn tượng với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để góp phần đạt được mục tiêu này, Việt Nam chú trọng thực hiện 03 đột phá chiến lược là: (i) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế; (ii) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; và (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Việt Nam quyết tâm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả với các quan điểm xuyên suốt là: (i) lấy nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; (ii) lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển; (iii) không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Theo đó, chúng tôi cam kết tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thưa Quý vị,
Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á giai đoạn 2022-2025, Việt Nam sẵn sàng đóng góp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa OECD và khu vực Đông Nam Á ngày càng toàn diện, hiệu quả, thực chất và bền vững hơn.
Với tinh thần đó, tôi đề xuất tăng cường hơn nữa hợp tác chuỗi cung ứng giữa OECD và Đông Nam Á theo phương châm ổn định, bền vững, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và cùng có lợi, với những định hướng lớn sau:
Thứ nhất, xây dựng, củng cố, kết nối chuỗi cung ứng giữa OECD và Đông Nam Á trên cơ sở tận dụng mạng lưới liên kết kinh tế hiện có, đặc biệt là RCEP, CPTPP và các FTA giữa Đông Nam Á và OECD. Cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trên cơ sở nhu cầu và thế mạnh của hai bên.
Tôi kêu gọi các nước OECD hỗ trợ Đông Nam Á phát huy tiềm năng kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, trong đó cân nhắc phối hợp phát triển: (1) Chuỗi cung ứng kỹ thuật số tại Đông Nam Á, đưa ASEAN thành Trung tâm cung ứng chip bán dẫn toàn cầu; (2) Chuỗi cung ứng hàng nông sản OECD – Đông Nam Á, tăng cường hơn nữa vai trò của khu vực trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh; bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; kết cấu hạ tầng phục vụ an sinh xã hội.
Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp FDI từ các nước OECD và Đông Nam Á hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhất là đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu – phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thứ hai, hỗ trợ Đông Nam Á nâng cấp, kết nối hạ tầng; xây dựng ASEAN thành một trung tâm hậu cần từ việc triển khai Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN đã được khởi động tháng 11/2020.
Tôi đề nghị các nước OECD cùng hợp tác và hỗ trợ ASEAN hoàn thiện và nâng cấp Mạng lưới này, trong đó có dự án “siêu cảng” - Trung tâm Logistics kho vận nội địa tại Vĩnh Phúc, Việt Nam.
Thứ ba, nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực. OECD hỗ trợ các nước Đông Nam Á đào tạo, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số, tư vấn về tiếp cận các sản phẩm tài chính, giúp xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đáp ứng yêu cầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng tôi mong muốn OECD hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp cận thị trường vốn quốc tế, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh, phát triển các sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu mạnh.
Thứ tư, hỗ trợ Đông Nam Á xây dựng thể chế chính sách, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đây cũng là lĩnh vực hợp tác trọng tâm, là thế mạnh của OECD; theo đó, tôi đề nghị hai bên triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ OECD-ASEAN, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như thuế, thuận lợi hoá thương mại, đầu tư, chuyển đổi số…
Tôi đánh giá cao việc OECD và Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động triển khai MOU hợp tác giai đoạn 2022-2026. Đây là cơ sở quan trọng để hai bên đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hướng tới mục tiêu Việt Nam sớm trở thành Đối tác chủ chốt của OECD trong tương lai gần.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của một trung tâm cung ứng toàn cầu một trong những cách thức vượt "bẫy thu nhập trung bình" của khu vực. Bên cạnh hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao, lao động cấp quản lý, OECD cần chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Đông Nam Á tăng cường sự tham gia của lao động nữ và triển khai hợp tác công - tư để doanh nghiệp cùng chung tay thúc đẩy nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của mình.
Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới giáo dục, đào tạo, gắn với khoa học, công nghệ và thị trường. Chúng tôi mong muốn OECD chia sẻ kinh nghiệm xây dựng xã hội học tập để người dân được tiếp cận tri thức ở mọi lúc, mọi nơi.
Thứ sáu, hai bên cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình cho hợp tác, bảo đảm giao thương hàng hoá thuận lợi, thông suốt. Đây là điều kiện tiên quyết cho hợp tác và phát triển. Việc duy trì môi trường ổn định, bảo đảm thông thương, lưu chuyển hàng hóa qua các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông, vừa là quyền lợi và là nhiệm vụ chung của tất cả các nước.
Việt Nam cùng ASEAN luôn kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình; phát huy các cơ chế hợp tác đa phương trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương của Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Thưa toàn thể Quý vị,
ASEAN đang nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, cùng với đẩy mạnh hợp tác nội khối, tăng cường quan hệ OECD-Đông Nam Á tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai bên có vai trò rất quan trọng.
Tôi tin tưởng rằng, Diễn đàn lần này sẽ đưa ra được những giải pháp toàn diện và có tính khả thi cao để nâng tầm và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ OECD-Đông Nam Á, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của hai khu vực và trên thế giới.
Xin chúc Ngài Tổng Thư ký và Quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc Chương trình Đông Nam Á tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong vai trò cầu nối giữa OECD và các nước trong khu vực.
Xin trân trọng cảm ơn.