TIN LIÊN QUAN | |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an | |
"Cơ hội vàng" phát huy vị thế đất nước với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: UN) |
Sau đây, tôi xin phát biểu trên cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.
75 năm trước, từ những khát vọng cháy bỏng của các dân tộc trên thế giới “tránh cho các thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh”, các nhà sáng lập LHQ đã kết tinh thành bản Hiến chương với các nguyên tắc cơ bản về chống chiến tranh xâm lược, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Những nguyên tắc cơ bản này đã trở thành nền tảng của luật pháp quốc tế hiện đại điều chỉnh quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa các quốc gia, thúc đẩy sự hình thành và phát triển một hệ thống luật pháp quốc tế toàn diện, từ giải trừ quân bị và thúc đẩy quyền con người, tới kinh tế, thương mại, biến đổi khí hậu…
Lịch sử phát triển của LHQ chính là minh chứng sống động nhất cho ý nghĩa quan trọng của Hiến chương. Việc tôn trọng và tuân thủ Hiến chương LHQ là yếu tố then chốt trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, thúc đẩy đối thoại, thương lượng để tìm giải pháp hòa bình cho hàng trăm cuộc xung đột ở các khu vực. Tình hình bất ổn tại Trung Đông hiện nay càng cho thấy tầm quan trọng của việc tôn trọng Hiến chương, đặc biệt là các nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Việc không tôn trọng và không tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế đã và đang đe doạ nghiêm trọng hoà bình, an ninh của mỗi quốc gia, khu vực và quốc tế, đồng thời đặt LHQ trước những thách thức không dễ vượt qua.
Thế giới đang thay đổi, với sự xuất hiện ngày càng nhiều những thách thức mang tính toàn cầu và có tác động qua lại lẫn nhau mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được. Bất bình đẳng về cơ hội phát triển, cách hành xử đơn phương, việc xem thường hoặc chỉ sử dụng các thiết chế đa phương vì các mục đích riêng chính là những căn nguyên của hàng loạt các cuộc xung đột vũ trang, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cưỡng ép, các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, hành vi xâm lược chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đang làm căng thẳng leo thang ở nhiều khu vực.
Trong bối cảnh đó, Hiến chương LHQ ngày càng phát huy giá trị. Chúng ta phải hành động để LHQ thực sự trở thành nơi phản ánh mẫu số chung lợi ích của tất cả các nước thành viên, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và mối quan hệ hợp tác bình đẳng dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đây là cách duy nhất để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết hậu xung đột... vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn.
Việt Nam cho rằng các quốc gia, chủ thể chính và quan trọng nhất của quan hệ quốc tế hiện đại, có trách nhiệm hàng đầu trong việc thúc đẩy và bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế ở tất cả các cấp độ. Chúng tôi cũng cho rằng với tư cách là cơ quan Hiến chương giao trách nhiệm chính trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, HĐBA và các quốc gia thành viên HĐBA phải đi đầu trong nỗ lực bảo đảm tôn trọng các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương.
Theo đó, tôi xin nêu ba đề xuất:
Thứ nhất, các quốc gia cần củng cố cam kết đối với chủ nghĩa đa phương mà LHQ là trung tậm. Quốc gia nên tận dụng tối đa các cơ chế, công cụ do Hiến chương đề ra, nhất là trong việc phòng ngừa xung đột và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình. Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến của Ngài Tổng thư ký LHQ rằng phòng ngừa xung đột và hoà giải là hai trong số những công cụ quan trọng nhất chúng ta có thể giảm khổ đau cho con người.
Thứ hai, các quốc gia cần nỗ lực hợp tác nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả và vai trò của các tổ chức khu vực, đặc biệt là trong phối hợp với LHQ và HĐBA, nhằm duy trì hoà bình và an ninh ở mỗi khu vực, qua đó góp phần bảo đảm hoà bình, an ninh quốc tế. Thực tiễn tại khu vực Đông Nam Á cho thấy Cộng đồng ASEAN với khuôn khổ pháp lý là Hiến chương ASEAN, được lấy lý tưởng và cảm hứng từ Hiến chương LHQ, đã trở thành một cộng đồng gắn kết, mở rộng hợp tác, khẳng định vị trí trong cấu trúc an ninh khu vực cũng như vai trò trung tâm trong việc xử lý các vấn đề của khu vực, duy trì hoà bình, an ninh, ổn định của khu vực và quốc tế.
Thứ ba, các quốc gia cần bảo đảm việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, và đảm bảo việc hoạch định và triển khai các chiến lược, chính sách phát triển, an ninh, quốc phòng và đối ngoại phải tương thích với các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, từ đó thúc đẩy hình thành văn hoá tôn trọng và tuân thủ Hiến chương LHQ. Đây là cách duy nhất để xây dựng một nền hòa bình bền vững.
Khi LHQ ra đời cũng là lúc nước Việt Nam giành độc lập. Ý thức được những giá trị của Hiến chương LHQ, ngay từ những ngày đầu độc lập, Việt Nam đã nhiều lần tỏ mong muốn gia nhập LHQ, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ các tôn chỉ, mục đích của LHQ và tuyên bố cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ. Là một quốc gia từng trải qua nhiều đau thương mất mát của chiến tranh và hiện đang nỗ lực đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế, Việt Nam ý thức sâu sắc giá trị và ý nghĩa của việc tuân thủ Hiến chương LHQ, coi đó là phương thức quan trọng hàng đầu vun đắp nền hoà bình bền vững, mang lại thịnh vượng cho nhân loại và xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ với các quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng và hữu nghị giữa các quốc gia.
Là nước ủy viên không thường trực của HĐBA nhưng là thành viên thường trực của LHQ, Việt Nam cam kết mạnh mẽ tôn trọng Hiến chương LHQ. Trên tinh thần “Đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp vào các hoạt động của LHQ và cộng đồng quốc tế trong đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn.
| Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: Thảo luận về củng cố hòa bình ở Tây Phi TGVN. Ngày 8/1, Việt Nam, Chủ tịch tháng của Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã chủ trì phiên họp về Báo cáo của Tổng Thư ... |
| Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ chủ trì phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an LHQ TGVN. Thực hiện vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao ... |
| Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu ba đề xuất tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 2019 TGVN. Để ASEM tiếp tục đóng vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và ... |