📞

Phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á 2022

PV 19:41 | 17/10/2022
Báo TG&VN trân trọng giới thiệu Phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á 2022 diễn ra ngày 17/10.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Kính thưa Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh,

Thưa Ngài Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD),

Thưa Ngài Tim Ayres, Đồng Bộ trưởng Thương mại và Sản xuất Australia,

Thưa các vị Bộ trưởng, Trưởng đoàn, các vị Đại sứ và toàn thể Quý vị đại biểu,

Tôi nhiệt liệt chào mừng toàn thể Quý vị đại biểu tham dự Diễn đàn cao cấp OECD – Đông Nam Á với chủ đề “Kết nối khu vực: thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững” được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội, trực tuyến tại Paris và các điểm cầu.

Diễn đàn cao cấp OECD – Đông Nam Á năm 2022 là sự kiện quan trọng đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác của Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) giai đoạn 2022 – 2025. Diễn đàn rất vinh dự được đón Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Phạm Bình Minh dự và phát biểu định hướng về thúc đẩy quan hệ đối tác OECD – Đông Nam Á trong giai đoạn mới.

Thưa các Quý vị,

Nhìn lại chặng đường hợp tác của Chương trình SEARP gần 10 năm qua, chúng ta có thể tự hào về những kết quả hết sức tích cực đã đạt được. Chương trình SEARP đã đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của các quốc gia Đông Nam Á; trở thành khuôn khổ quan trọng giữa OECD và các nước Đông Nam Á trong việc chia sẻ tư duy, mô hình và kinh nghiệm phát triển, phối hợp định hình các tiêu chuẩn, nguyên tắc chung về quản trị kinh tế quốc tế.

Nội dung hợp tác của SEARP ngày càng thực chất, toàn diện, đáp ứng thiết thực yêu cầu phát triển của các nước thành viên. Các báo cáo tư vấn chính sách, các chương trình hợp tác, nâng cao năng lực trên nhiều lĩnh vực đã hỗ trợ tích cực các nước Đông Nam Á trong việc xây dựng và triển khai các mục tiêu, tầm nhìn và định hướng phát triển.

Việc OECD và ASEAN ký Biên bản hợp tác vào tháng 2/2022 đã đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, đóng góp thiết thực vào triển khai Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN và xây dựng Cộng đồng Kinh tế - Văn hoá - Xã hội ASEAN. Có thể khẳng định, các kết quả nêu trên là nền tảng để chúng ta kế thừa, phát triển, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác của Chương trình SEARP trong giai đoạn mới.

Thưa Quý vị,

Diễn đàn cao cấp OECD – Đông Nam Á năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Cục diện thế giới bước vào giai đoạn thay đổi bước ngoặt. Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, điều chỉnh sâu sắc về mô hình, cấu trúc và quản trị. Các rủi ro an ninh, nguy cơ phân tách, các cú sốc trên nhiều phương diện đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các quốc gia trên thế giới.

Toàn cầu hoá gặp nhiều thách thức và đứng trước yêu cầu điều chỉnh sâu sắc. Việc xây dựng các chuỗi cung ứng tự cường, ổn định, bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia nhằm nâng cao khả năng tự chủ chiến lược và sức chống chịu của nền kinh tế.

Đông Nam Á ngày càng có vai trò quan trọng, là giao điểm của nhiều liên kết kinh tế chủ chốt, là trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo quan trọng của thế giới, là một mắt xích then chốt trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP, Việt Nam mong muốn Diễn đàn SEARP 2022 sẽ tập trung đánh giá và thống nhất một số nội dung lớn như sau:

Một là, phân tích các nguyên nhân gây đứt gãy chuỗi cung ứng và đánh giá tác động, hệ lụy đối với kinh tế toàn cầu; chiều hướng phục hồi và chuyển dịch chuỗi cung thời gian tới; làm rõ các vấn đề đặt ra đối với chính phủ, doanh nghiệp trong phục hồi và định hình các chuỗi sản xuất tự cường và bền vững.

Hai là, phân tích những xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, khả năng thích ứng và nắm bắt của các quốc gia Đông Nam Á, từ đó đề xuất chính sách, biện pháp để củng cố tính tự cường, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế.

Ba là, xác định những định hướng và nội dung hợp tác, kết nối giữa OECD với các quốc gia Đông Nam Á, trọng tâm là kết nối chính sách, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường quan hệ đối tác công – tư nhằm hướng tới tương lai tự cường và bền vững.

Thưa Quý vị,

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả, kinh tế

Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế ở khu vực và thế giới.

Kết quả này khẳng định khả năng thích ứng mạnh mẽ của Việt Nam trước các cú sốc và biến động phức tạp của thế giới, trong đó mạng lưới liên kết kinh tế và chuỗi sản xuất đa dạng trên nền tảng 15 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nhân dịp này, chúng tôi trân trọng cảm ơn các nước thành viên OECD, các nước Đông Nam Á và bạn bè quốc tế đã luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển vừa qua, đặc biệt hỗ trợ về vắc-xin và vật tư y tế cho Việt Nam trong nỗ lực phòng chống đại dịch Covid 19.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển đó, bên cạnh phát huy nội lực là cơ bản, lâu dài, chúng tôi xác định nguồn lực bên ngoài là chiến lược, đột phá.

Chúng tôi hết sức coi trọng hợp tác với OECD; mong muốn OECD cùng các thành viên tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, trong tiếp cận các nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị thông minh nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thưa các quý vị,

Với sứ mệnh của OECD là xây dựng “chính sách tốt hơn vì cuộc sống tốt đẹp hơn”, với việc Đông Nam Á được xác định là ưu tiên chiến lược trong chính sách của OECD, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng quan hệ đối tác giữa OECD và các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định, tự cường và thịnh vượng của hai khu vực và trên thế giới.

Với tinh thần đó, tôi xin chúc Diễn đàn cao cấp OECD – Đông Nam Á năm 2022 thành công tốt đẹp. Chúc toàn thể Quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.