📞

Phát hiện hồ nước bí ẩn dưới lớp băng Nam Cực

22:53 | 28/04/2016
Các nhà khoa học Anh vừa phát hiện ra một hồ nước lớn bên dưới lớp băng của lục địa Nam Cực, trong đó có thể ẩn chứa một dạng sự sống đã tồn tại hàng ngàn năm. 
Các nhà khoa học tin rằng hồ nước bên dưới lớp băng này có sự sống (Nguồn: AS)

Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Địa chất (Mỹ) và tại Hội nghị Khoa học Địa chất châu Âu tổ chức tại Vienna (Áo) vừa qua.

Theo nghiên cứu này, hồ nước dưới lớp băng có liên thông với một hệ thống hẻm núi có tổng chiều dài tới 700km. Kết luận được đưa ra dựa trên việc phát hiện ra các kênh nước ngầm bên dưới lớp băng, sau khi đã kiểm tra kỹ hình ảnh vệ tinh chụp toàn bộ khu vực - nơi được đặt tên là Miền đất Công chúa Elizabeth.

“Chúng tôi đã nhìn thấy các dòng kênh kỳ lạ này chạy bên dưới bề mặt lớp băng. Chúng tôi ước tính các kênh này có tổng chiều dài tới 1.000 km, và có một hồ nước lớn tương thích với chúng" – ông Martin Siegert từ trường Đại học Hoàng gia London, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Ông Siegert cho biết, với chiều dài khoảng 90km và chiều rộng nơi lớn nhất là 15km, hồ này không phải là hồ lớn nhất từng được phát hiện dưới lớp băng lạnh giá của Nam Cực. Hồ lớn nhất ở Nam Cực là hồ Vostok, có kích thước dài 180km và chỗ rộng nhất là 40km. Nó chính là hồ lớn thứ sáu tại Mỹ.

Vào năm 2012, các nhà khoa học Nga đã khoan một lỗ xuyên qua bề mặt đóng băng 15 triệu năm của hồ Vostok, và cho biết họ phát hiện bằng chứng của sự sống trong lòng hồ.

Năm 2013, một nhóm nghiên cứu của Mỹ đã khoan qua lớp băng trên hồ Whillans (Mỹ) và đã phát hiện thấy cuộc sống của các vi sinh vật, với mật độ tương đương với những quần thể vi sinh vật sống ở những đại dương sâu nhất thế giới. Chúng bao gồm một cộng đồng phức tạp các vi khuẩn cổ đại, với ít nhất 4.000 loài đang hoạt động mạnh.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học dự đoán rằng hồ nước mới được phát hiện cũng có những sự sống dạng vi khuẩn và các vi sinh vật khác. Chúng sống bằng cách ăn các khoáng chất từ trên băng chảy xuống hoặc ăn khoáng chất từ các trầm tích dưới biển, ông Sieger cho biết. 

(theo Aero Space)