📞

Phát hiện hóa thạch nấm cổ nhất Trái đất có “tuổi đời” 1 tỷ năm

11:32 | 23/05/2019
Các nhà khoa học mới đây phát hiện mẫu hóa thạch nấm vùi trong lớp đá trầm tích ở khu vực phía Nam đảo Victoria, rìa Bắc Băng Dương, có niên đại từ 900 triệu đến 1 tỷ năm.    
Mẫu nấm hóa thạch có niên đại từ 900 triệu đến 1 tỷ năm. (Nguồn: C.C Loron, Đại học Liège)

Phát hiện mới này phá kỷ lục của mẫu nấm hóa thạch 450 triệu năm được khai quật trước đó ở Wisconsin, phía Bắc nước Mỹ, theo Guardian.

Trong bài viết trên tạp chí Nature, các nhà khoa học xác định loại nấm cổ đại này là Ourasphaira giraldae. Các bào tử của nấm dài chưa đến 1/10 mm và kết nối với nhau bằng các sợi tơ mảnh, phân nhánh.

Khi đặt hóa thạch dưới kính hiển vi, nhóm nghiên cứu hoàn toàn có thể tìm ra nhiều đặc điểm chính của nấm bao gồm các bào tử hình cầu, những sợi phân nhánh kết nối các bào tử và thành tế bào hai lớp.

Được bảo quản trong bùn rắn và không bị oxy thấm vào làm phân hủy, mẫu hóa thạch vẫn còn dấu vết của chitin, loại hợp chất hữu cơ tạo ra thành tế bào nấm. Corentin Loron, tác giả của nghiên cứu tại Đại học Liège, Bỉ cho biết, "mẫu nấm được bảo quản tốt đến mức chúng ta vẫn còn phát hiện được các hợp chất hữu cơ".

Nấm đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, phân hủy chất hữu cơ và trả lại chất dinh dưỡng vào môi trường đất giúp cây cối phát triển. Sự tồn tại của nấm từ 1 tỷ năm trước cho thấy các sinh vật này đã đặt nền móng cho những loài thực vật đầu tiên trên Trái đất từ 470 triệu năm trước.

Ngoài ra, niên đại kỷ lục của loại nấm mới còn hé lộ lịch sử phát triển của nhiều loài sinh vật khác. Trước khi trở thành nhánh riêng, nấm và động vật cùng thuộc một nhánh tiến hóa. Nếu nấm từng tiến hóa từ một tỷ năm trước, động vật nguyên thủy cũng có thể.

"Nếu đây thực sự là nấm, thì xung quanh đó có thể có cả động vật. Chúng tôi không nói đến những loài to lớn như khủng long mà có thể chỉ là gì đó rất đơn giản như một miếng bọt biển chẳng hạn", nhà khoa học Loron nói.

(theo Zing.vn)