Các nhà khảo cổ cho rằng, một phần của bán đảo này đã từng là thành phố cổ Kane, nơi từng xảy ra trận hải chiến nổi tiếng. (Nguồn: National Geographic |
Một nhóm các nhà khảo cổ học và địa vật lý quốc tế vừa cho biết, họ phát hiện một hòn đảo bị mất tích ở phía Đông biển Aegean và đó có thể là thành phố cổ đại Kane.
Hòn đảo này, từng được sử gia Hy Lạp cổ đại Xenophon nhắc tới, nổi tiếng với vị trí gần nơi đã diễn ra trận hải chiến Arginusae năm 406 trước Công nguyên. Tại đó, người Athens đánh bại người Sparta vào giai đoạn gần cuối của cuộc chiến Peloponnesse.
Những hòn đảo Arginusae, hiện gọi là các đảo Garip, có vị trí chỉ vài trăm thước ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Các tài liệu lịch sử nói rằng, có ba đảo Arginusae, nhưng vị trí chính xác của hòn đảo thứ ba từ lâu đã không thể xác định được.
Các nhà nghiên cứu đã khoan sâu vào lòng đất và các bằng chứng địa chất cho thấy, nơi hiện nay là một bán đảo trước kia từng là một hòn đảo. Vào thời điểm trước giai đoạn cuối của thời Trung cổ, một cây cầu đất đã nối liền hòn đảo với bờ. Một bản đồ của đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ 16 cho thấy hòn đảo này đã trở thành một bán đảo từ thời điểm đó.
Nghiên cứu cho thấy, hòn đảo đã được nối với đất liền bằng những vật chất, đất đá lắng đọng trong lòng một con kênh tự nhiên nhỏ hẹp, có thể là động đất hoặc quá trình xói mòn từ những cánh đồng ở đất liền.
Theo giám đốc Viện Khảo cổ học Đức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Felix Pirson, các nhà khoa học đã lên kế hoạch xác định tuổi của các lớp địa chất bằng phương pháp carbon phóng xạ nhằm hiểu rõ hơn quá trình này đã xảy ra như thế nào,
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy gần đó dấu vết của một bến cảng cổ xưa từ thời Hy Lạp cổ đại (khoảng năm 323-31 trước Công nguyên) đã bị chìm dưới nước.
Mặc dù Kane chỉ là một thành phố nhỏ vào thời Cổ đại, nó được xây dựng dọc theo một tuyến đường thương mại hàng hải chiến lược, chạy từ Biển Đen dọc theo bờ biển phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, với một cảng lớn - nơi tàu có thể vào tránh bão. Những đồ gốm được phát hiện trên đảo, cũng như những dấu vết của các vi sinh vật có nguồn gốc từ Biển Đen đã chứng minh điều đó.
Trung Hiếu (tổng hợp)