Hình ảnh vệ tinh tảng băng trôi A-76 đã tách ra khỏi thềm băng Ronne ở Nam Cực. (Nguồn: ESA) |
Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết tảng băng trôi A-76 tách ra khỏi thềm băng Ronne ở Nam Cực và đang trôi nổi trên biển Weddell.
Với kích thước bằng đảo Majorca của Tây Ban Nha, nó trở thành tảng băng trôi lớn nhất thế giới cho đến nay, Bloomberg đưa tin ngày 19/5.
Theo các số liệu đo đạc từ vệ tinh và máy bay, tảng băng này dài 170 km và rộng 25 km, lớn hơn diện tích đảo Long Island của New York, tức gấp 4 lần thành phố New York và bằng một nửa diện tích của Puerto Rico.
Khu vực Nam Cực đang ấm lên nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới. Tình trạng này khiến băng tuyết tan chảy và các dòng sông băng bị thu hẹp nhanh hơn, đặc biệt ở khu vực xung quanh biển Weddell.
Khi các sông băng biến mất, nhiều khối băng sẽ tách ra và trôi theo dòng nước, cho đến khi chúng vỡ ra hoặc đâm vào đất liền.
Năm 2020, các dòng hải lưu đã cuốn trôi tảng băng A-68A, lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, từ Nam Cực đến bờ biển đảo Nam Georgia.
Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng tảng băng này sẽ va chạm với một hòn đảo vốn là nơi sinh sản của các loài sư tử biển và chim cánh cụt. Tuy nhiên, tảng băng đã vỡ thành nhiều mảnh nhỏ.
Theo một nghiên cứu do 84 nhà khoa học từ 15 quốc gia thực hiện được công bố trên tạp chí Nature hồi đầu tháng 5, mực nước biển trung bình đã tăng khoảng 23 cm kể từ năm 1880.
Một phần tư mức tăng đó là do băng tan từ các tảng băng ở Greenland, Nam Cực và một số nơi khác.
Các nhà khoa học cũng cho rằng mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu được nhiều quốc đặt ra gần đây không đủ để ngăn mực nước biển dâng.
Trên thực tế, các sông băng thu hẹp, nhiều tảng băng tan sẽ vẫn làm mực nước biển dâng cao gấp đôi nếu các quốc gia chỉ thực hiện các cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.