📞

Phát hiện tượng chân dung 1.800 năm tuổi của Alexander Đại đế

Hoàng Trung Hiếu 16:42 | 23/04/2024
Hai nhà khảo cổ học Finn Ibsen và Lars Danielsen vừa phát hiện bức tượng chân dung Alexander Đại đế bằng đồng khi đang khảo sát trên một cánh đồng ở ngoại ô Ringsted, một thành phố trên đảo Zealand của Đan Mạch.

Bức chân dung Alexander Đại đế bằng đồng được tìm thấy trên một cánh đồng ở Đan Mạch. (Nguồn: Bảo tàng Tây Zealand)

Theo hãng tin TV2 Øst, hai nhà nghiên cứu người Đan Mạch đã bàn giao hiện vật cho Bảo tàng West Zealand.

Bảo tàng Tây Zealand cho biết, cổ vật này có đường kính khoảng 2,7 cm, được đúc bằng hợp kim đồng và khắc chân dung một người đàn ông có mái tóc quăn gợn sóng, đầu đội chiếc vương miện có hình đôi sừng cừu đực.

Quan sát hiện vật này, các nhà khảo cổ ngay lập tức nhận ra đó là khuôn mặt của Alexander Đại đế, người trị vì đế chế Macedon cổ đại có lãnh thổ trải dài từ vùng Balkan đến Pakistan ngày nay cho đến khi ông qua đời ở tuổi 32.

Ông Freerk Oldenburger, nhà khảo cổ học tại Bảo tàng West Zealand, nói: “Tác phẩm này có những đặc điểm điển hình của Alexander Đại đế, chẳng hạn như mái tóc gợn sóng và chiếc mũ có cặp sừng cừu đực khác biệt. Cổ vật này gần giống với một bức chân dung khác được tìm thấy cách đây nhiều năm có cùng hình ảnh”.

Hiện vật đó được làm từ bạc mạ vàng, do một nhóm nhà khảo cổ khác ở Jutland, Đan Mạch tìm thấy. Nhà khảo cổ học Oldenburger cho biết, nó được phát hiện trong một kho vũ khí cổ và có thể là một vật trang trí gắn trên một chiếc khiên.

Về bức tượng bằng đồng, ông Oldenburger nói: “Cổ vật là một tác phẩm đáng chú ý. Khi nó được đặt lên bàn làm việc của tôi, tôi ngạc nhiên đến mức "suýt té khỏi ghế" vì gần như giống hệt bức chân dung trước. Tuy nhiên, bức mới tìm được thô hơn một chút và được làm bằng đồng chứ không phải bạc mạ vàng. Hợp kim đồng chứa hàm lượng chì cao thường được sử dụng để đúc những bức tượng nhỏ thời La Mã”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, cổ vật mới được tìm thấy có niên đại khoảng năm 200 sau Công nguyên và có thể là vật trang trí gắn trên một chiếc khiên, hoặc gắn vào thắt lưng đeo kiếm.

Ông Oldenburger nhận định: “Cổ vật này được làm trong thời kỳ của Caracalla, một hoàng đế La Mã trị vì từ năm 198 đến năm 217 sau Công nguyên. Hoàng đế Caracalla vốn rất hâm mộ Alexander Đại đế và được ông ấy truyền cảm hứng, vì Alexander là nhà chinh phục vĩ đại nhất trong thời cổ đại”.

Theo các ghi chép lịch sử, Caracalla ngưỡng mộ Alexander Đại đế đến mức ông thường ăn mặc theo phong cách Alexander và tin rằng mình là Alexander Đại đế tái sinh. Caracalla cũng là vị hoàng đế duy nhất trong thời đại của ông được miêu tả là sở hữu chiếc khiên có khắc chân dung của Alexander Đại đế.

(theo Live Science)