📞

Phát hiện vụ nổ siêu tân tinh mạnh nhất

17:57 | 19/01/2016
Các nhà thiên văn học công bố phát hiện vụ nổ siêu tân tinh (sao siêu mới) lớn nhất và sáng nhất từ trước đến nay.
Vụ nổ sao siêu mới theo quan sát từ kính viễn vọng của NASA (Nguồn: NASA)

Vụ nổ này sáng hơn 570 tỷ lần so với Mặt Trời và sáng hơn 20 lần so với tất cả các ngôi sao trong dải Ngân Hà (Milky Way) cộng lại, theo tuyên bố từ các nhà thiên văn học trường Đại học bang Ohio (Mỹ) đang thực hiện cuộc nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu này vừa công bố phát hiện của họ trên tạp chí Khoa học (Science) của Mỹ. Hiện họ đang xác định sức mạnh của vụ nổ.

"Đây có thể là vụ nổ siêu tân tinh mạnh nhất chưa từng thấy", đồng tác giả nghiên cứu Krzysztof Stanek, một nhà thiên văn học tại bang Ohio, nói với Thời báo Los Angeles.

Một vụ nổ siêu tân tinh là một hiện tượng hiếm gặp và rất ấn tượng, có liên quan đến sự bùng nổ của hầu hết các vật chất bên trong một ngôi sao. Siêu tân tinh có thể cực kỳ sáng trong một thời gian ngắn và thường phát ra một lượng lớn năng lượng.

Vụ nổ này tạo ra một quả bóng khí nóng khổng lồ mà các nhà thiên văn học đang nghiên cứu thông qua các kính thiên văn trên toàn thế giới. Không thể nhìn thấy được nó bằng mắt thường vì nó cách Trái Đất tới 3,8 tỷ năm ánh sáng. Ngoài ra, có một vật thể đường kính 15km ở giữa quả bóng khí nóng mà các nhà thiên văn học đang cố gắng xác định đó là gì.

Giáo sư thiên văn học Todd Thompson ở Ohio cho biết, trung tâm của vụ nổ siêu tân tinh có thể là một loại sao hiếm gặp được gọi là một “sao nam châm”. Được sinh  ra bởi vụ nổ sao siêu mới, sao nam châm là một lõi sao có mật độ đậm đặc, quay rất nhanh, và có một từ trường rất mạnh. Nó có thể sẽ trở thành một "hố đen siêu lớn”.

Để đạt độ sáng đã được ghi nhận, ngôi sao nam châm phải quay với tốc độ 1.000 vòng trong một giây và "chuyển đổi tất cả những năng lượng quay thành ánh sáng, với hiệu quả gần 100%", ông Thompson nói.

Nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng dữ liệu do Kính viễn vọng Hubble của NASA để tiếp tục xác định đối tượng ở trung tâm của quả bóng khí nóng. Nếu nó không phải là một sao nam châm, nó có thể là hoạt động hạt nhân bất thường xung quanh "một hố đen siêu lớn", ông Thompson cho biết.

(Tổng hợp)