📞

Phát huy động lực tăng trưởng từ 'cỗ xe' kinh tế Việt Nam, tạo tiền đề cho năm 2024

Gia Thành 10:06 | 15/12/2023
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế... là những điều kinh tế Việt Nam phải lưu ý để vượt khó khăn trong thời gian tới.
Kinh tế Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh xám màu của toàn cầu. (Ảnh: Quỳnh Trần/Vnexpress)

Điểm sáng trong bức tranh xám màu

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng diễn ra mới đây, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những điểm nhấn quan trọng của Đảng.

Điển hình như, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07 ngày 1/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội; Kết luận 24, ngày 12/2021 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành Nghị quyết, các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế.

PGS.TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh: "Nhờ đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực. Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế toàn cầu".

Cụ thể, năm 2021, tăng trưởng Tổng GDP đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra từ 6-6,5%, nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Đáng chú ý, năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng chiến lược trên cả nước (Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng) với thông điệp rất rõ nét.

"Điều này tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động phát triển nhanh và bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng", PGS.TS Vũ Trọng Lâm đánh giá.

Khó khăn vẫn bủa vây

Tuy nhiên, báo cáo “Toàn cảnh kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam năm 2023, một số nhận định và dự báo xu hướng năm 2024” của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) cũng cho thấy, sự chậm lại các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến cho "cỗ xe" kinh tế Việt Nam phải khựng lại ít nhiều, bất chấp những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đem lại.

PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học - Đại học Kinh tế quốc dân, nhà Kinh tế trưởng của VESS nhận thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 quý của năm 2023 ở dưới xa mức trung bình trước đại dịch; cả ba thành phần tổng cầu đều yếu; các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp đều gặp khó; lạm phát tổng thể giảm trong nửa đầu năm nhưng lại có xu hướng quay đầu tăng trở lại trong quý 3.

Không chỉ thế, lạm phát cơ bản khá dai dẳng và những rủi ro tăng giá mới lại xuất hiện.

PGS. TS Phạm Thế Anh khẳng định rằng, trong 11 tháng qua, một điểm sáng ghi nhận là đầu tư công. Tuy nhiên, đầu tư nhà nước tăng tốc nhưng cũng chỉ đạt 75% kế hoạch năm sau 11 tháng. Nguyên nhân là thiếu động lực, vướng pháp lý và giá nguyên vật liệu tăng cao.

“Những nỗ lực mở rộng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ gần đây đã phần nào giúp doanh nghiệp và người dân chống chọi với những khó khăn, nhưng chưa thể đảm bảo sự hồi phục chắc chắn của nền kinh tế”, nhà kinh tế trưởng của VESS nhấn mạnh.

Về triển vọng của nền kinh tế, ông Phạm Thế Anh cho rằng, sự phục hồi của kinh tế trong nước gắn chặt với kinh tế thế giới. Trong thời gian tới, nhu cầu tín dụng cho sản xuất thấp cho tới khi xuất khẩu khởi sắc trở lại, tín dụng hiện tại chủ yếu phục vụ đảo nợ trong lĩnh vực bất động sản; kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng nhanh.

Về dài hạn, nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào kênh tín dụng, do thị trường trái phiếu mất nhiều thời gian để hồi phục. Trong khi đó, lãi suất huy động đang ở vùng đáy, khó giảm thêm.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là một trụ cột quan trọng. Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong nằm trong khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh). (Nguồn: Hateco)

Tiếp tục nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế

Để vượt khó khăn và thực hiện được các nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, cần thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị đồng nội tệ, kiềm chế lạm phát; kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ - tài khóa, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Song song với đó, Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân”.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là một trụ cột quan trọng, do đó, theo giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cần tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Đinh Trọng Thịnh nêu rõ: “Cần thay thế chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư bằng việc hoàn thiện môi trường đầu tư và các biện pháp phù hợp nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài".

Còn TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.