📞

Phát huy lợi thế đặc thù trong hợp tác địa phương Việt - Pháp

10:35 | 14/09/2016
Hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp được đánh giá là mạng lưới hợp tác có quy mô lớn nhất, cơ chế tốt nhất dựa trên cơ sở huy động mọi nguồn lực, lợi thế sẵn có để cùng phát triển một cách bền vững.

Sáng 14/9, phát biểu khai mạc Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10 diễn ra tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Nhân dân Việt Nam và Pháp có mối quan hệ rất gần gũi, khá mật thiết. Hai nước đã cùng nhau trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, đã cùng nhau vượt qua những khúc quanh để trở thành những người bạn đồng hành tin cậy. Nước Pháp là đối tác chiến lược, là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trên trường quốc tế và ở châu Âu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan hệ đặc biệt giữa hai nước không chỉ nằm ở những nét giao thoa văn hoá rất riêng qua kiến trúc, ẩm thực, thậm chí ngôn ngữ, mà còn đến từ sự chia sẻ khát khao hòa bình và luôn làm hết sức mình vì hòa bình; ủng hộ những nỗ lực chống chiến tranh, khủng bố; chống sự áp đặt - nguyên nhân sâu xa của chiến tranh, khủng bố.

Phó Thủ tướng khẳng định hợp tác ở tầm địa phương của Việt Nam và Pháp là mối hợp tác quy mô lớn nhất và cơ chế tốt nhất trong mạng lưới hợp tác địa phương giữa Việt Nam và tất cả các nước. (Ảnh: VGP).

"Thế giới chỉ có thể yên bình nếu tất cả các quốc gia đều tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng chủ quyền và lợi ích của các dân tộc khác; cùng nhau xây dựng lòng tin với sự thực tâm, trách nhiệm và bằng hành động thiết thực. Việt Nam luôn nhất quán với phương châm đó và chúng tôi tin chắc rằng nước Pháp cũng luôn nhất trí với Việt Nam và với phương châm đó", Phó Thủ tướng nói.

Điều đặc biệt trong quan hệ Việt - Pháp không chỉ ở tầm Trung ương mà mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực.

Hợp tác ở tầm địa phương của Việt Nam và Pháp là mối hợp tác quy mô lớn nhất và cơ chế tốt nhất trong mạng lưới hợp tác địa phương giữa Việt Nam và tất cả các nước.

Được khởi động từ những năm 90, đến nay cơ chế hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp được triển khai ở tất cả mọi vùng miền với sự tham gia của nhiều chủ thể đa dạng trong nhiều lĩnh vực hết sức đặc thù.

Tính đến năm 2016, có 240 dự án hợp tác đã và đang triển khai tại Việt Nam. Hiện đã có 60 địa phương hai nước tham gia và một số địa phương khác có nguyện vọng được tham gia cùng. Nhiều dự án cụ thể trên các lĩnh vực như y tế, giáo dục, quản lý đô thị, môi trường, văn hóa… đã được triển khai, đem lại kết quả tích cực.

Bà Martine Pinville, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại Pháp cho biết đến nay chỉ các địa phương của Pháp hoạt động như vậy tại Việt Nam và trở thành một nét đặc thù trong quan hệ song phương. Trình độ, kinh nghiệm, thế mạnh của từng địa phương, doanh nghiệp Pháp và Việt Nam được phát huy góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước.

Qua đó chứng minh đây là một loại hình hợp tác hiệu quả, đa dạng, năng động và đầy triển vọng phát triển khi dựa trên cơ sở huy động mọi nguồn lực sẵn có, khuyến khích sự tham gia của các đơn vị hành chính và tổ chức của các địa phương để cùng phát triển một cách bền vững.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Việt Nam càng minh chứng cho tầm quan trọng và triển vọng phát triển quan hệ giữa các địa phương như lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước khẳng định, kỳ vọng.

Ảnh: VGP.

Trao đổi với các đại biểu có mặt trong hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết những thành tựu phát triển của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận như duy trì được mức tăng trưởng bình quân cao thứ 2 thế giới trong suốt 25 năm (khoảng 6%/năm); kinh tế vĩ mô ổn định; hoàn thành nhiều mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc...

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước rất nhiều thách thức. Không chỉ phải phát triển nhanh hơn để ra khỏi bẫy thu nhập trung bình mà điều quan trọng là phải phát triển bền vững hơn. Đồng thời thực hiện tốt các cam kết trong khuôn khổ Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc 2015 (COP21); phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030;...

"Đây là nhận thức xuyên suốt không chỉ của Chính phủ mà đã lan tới tất cả người dân Việt Nam. Những yêu cầu này đã được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển như Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...", Phó Thủ tướng khẳng định và tin tưởng nước Pháp cùng chia sẻ những mối quan tâm về phát triển bền vững.

Với những thành tựu, kinh nghiệm phát triển, cùng tình cảm gắn bó giữa 2 dân tộc, Phó Thủ tướng mong muốn “các bạn Pháp” sẽ giúp Việt Nam, giúp các địa phương của Việt Nam phát huy được tốt nhất các lợi thế, nguồn lực của mình và cùng nhau xây dựng những chương trình, dự án hợp tác cụ thể, thiết thực, vì lợi ích chung.

“Việt Nam luôn chào đón và tạo điều thuận lợi nhất có thể cho các DN Pháp phát triển kinh doanh ở Việt Nam, mong muốn sự hiện diện ngày càng nhiều của nước Pháp trong ASEAN vì lợi ích của hai nước và vì lợi ích khu vực.

Với chủ đề ‘Hướng tới các mối quan hệ kinh tế hiệu quả và bền vững’, Hội nghị sẽ có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sâu sắc để cùng nhau xác định các phương hướng, biện pháp thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo động lực mạnh cho mối quan hệ Việt Nam - Pháp”, Phó Thủ tướng nói.

(theo VGP)