Công nhân ở một trạm trung chuyển ở Indonesia, quốc gia đông dân nhất ở Đông Nam Á. |
Dân số ASEAN với khoảng 600 triệu người chỉ bằng khoảng một nửa dân số Ấn Độ nhưng lại có tổng GDP lớn hơn. Với mức tăng trưởng được dự đoán 6% mỗi năm, GDP của ASEAN đến trước năm 2020 sẽ khoảng 4,7 nghìn tỷ USD.
Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, đến năm 2020, châu Á có thể là ngôi nhà của hơn 50% dân số thuộc tầng lớp trung lưu trên toàn cầu. ASEAN sẽ dùng 4 tỷ USD cho tiêu thụ hàng hóa và một nửa dân số ASEAN thời điểm đó sẽ dưới tuổi 30.
Sức mua của người dân tăng sẽ kéo theo nhu cầu về sở hữu tài sản như xe hơi, hay dịch vụ như chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế tốt cũng tăng lên. Đối với bộ phận dân số già thì nhu cầu về những kênh mới nhằm đảm bảo một hệ thống an sinh xã hội tốt cũng sẽ không theo xu hướng ngược lại.
Tuy nhiên mô hình tiêu thụ có thể sẽ không đều giữa các nước ASEAN. Người tiêu dùng ở những nước đang phát triển có xu hướng sử dụng tiền của mình để cải thiện chất lượng cuộc sống cơ bản trong khi lớp người này ở các nước phát triển hơn hướng thu nhập vào hàng tiêu dùng cao cấp hoặc mang đi đầu tư.
Ví dụ, chi tiêu của giới trung lưu ở Singapore, Malaysia và Thái Lan mạnh tay và rõ ràng hơn trong khu vực. Chi tiêu của giới trung lưu tại Indonesia và Philippines thì tập trung vào các phương tiện, thiết bị và dịch vụ giáo dục để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong khi đó ở Việt Nam, nước có tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng cao nhất khu vực thì tầng lớp trung lưu mới nổi mới chỉ bắt đầu có cảm giác “ngon miệng” với hàng hóa xa xỉ.
Tài sản tài chính trong ASEAN cũng sẽ nhanh chóng vượt qua Trung Quốc trong vòng 5 năm tới. ASEAN có dự trữ quốc tế lên tới 800 tỷ USD và hiện nay tài sản tài chính chủ yếu của ASEAN là dưới hình thức tiền mặt và chứng khoán. Thời gian tới, người dân rất có thể đi theo xu hướng chuyển từ gửi tiền tiết kiệm sang lựa chọn đầu tư.
Mặc dù vậy, để đảm bảo được phát triển bền vững thì các thành viên trong ASEAN cần phải cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, ổn định thị trường lao động và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia. Đồng thời, ASEAN cần có sự minh bạch hơn trong các thị trường tài chính cũng như hệ thống luật lệ để tối ưu hóa dòng đầu tư.
Hằng Phạm (Theo South China morning Post)