📞

Phát triển kinh tế xanh - bắt đầu từ hành động nhỏ nhất

15:38 | 28/06/2018
Để phát triển kinh tế, du lịch xanh, bền vững, phải bắt đầu từ ý thức nhỏ nhất của mỗi con người. Từ việc phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ ngay chính môi trường sống của mình, nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

 

Đó là nhận định của ông Nikita Hajime, đại diện Nghị viện chính quyền Nagaki (Nhật Bản) tại Diễn đàn “Phát triển kinh tế, du lịch xanh bền vững 2018” vừa được tổ chức tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Xu hướng tất yếu

Trong những năm qua, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội. Ngoài góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa, phát triển du lịch xanh đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho đất nước cũng như  người dân địa phương.

Tại Diễn đàn trên, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sau 20 năm, Việt Nam tái khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Cũng theo ông Thiên, là quốc gia đi sau, lợi thế của Việt Nam là có thể tiếp cận đến những khái niệm lớn của thời đại. Tuy nhiên, cũng còn nhiều thách thức để phát triển du lịch đi theo đúng hướng và bền vững, mà trước hết là cần cơ chế chính sách, giải pháp chiến lược rõ ràng. Lấy ví dụ về Singapore, quốc gia có xuất phát điểm thấp nhưng đã đi tìm một đẳng cấp vượt trội để phát triển và đã thành công, TS. Thiên cho rằng, tỉnh Quảng Ninh là một điển hình, có thể chưa thành công như mong muốn nhưng tư duy phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh" là một bước đi đúng đắn.

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển kinh tế, du lịch xanh bền vững 2018”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cũng đánh giá cao thành công của Quảng Ninh, Đại sứ - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu cho rằng, Quảng Ninh đã thể hiện sự năng động trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Một minh chứng cụ thể là tỉnh đã giải tỏa được làng chài trên Vịnh Hạ Long, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã thực hiện một số dự án như du lịch bằng thuyền nan ở vịnh Hạ Long, mô hình làng văn hóa dân tộc tại làng Yên Đức (Đông Triều) được du khách đánh giá cao.

Bắt đầu từ hành động nhỏ

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của Nhật Bản, ông Hajime cho biết, sau khi kết thúc chiến tranh, Nhật Bản bắt đầu bước vào thời kỳ phục hưng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển đã kéo theo hệ lụy là ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh nhằm thực thi nghiêm túc các biện pháp chính sách bảo vệ môi trường. Ngay khi bắt đầu đi học, trẻ em Nhật đã được dạy một cách bài bản về bảo vệ môi trường, mỗi người dân nước này đều có ý thức bảo vệ môi trường rất cao.

Đồng quan điểm này, ông Võ Thanh Tâm - Tổng Giám đốc công ty Tinh dầu thiên nhiên Queen Oils cho rằng, không chỉ áp dụng với nhân viên của mình, các doanh nghiệp du lịch cũng cần tuyên truyền tới du khách để họ tham gia du lịch một cách ý thức hơn, tiết kiệm tài nguyên (điện, nước), bảo vệ môi trường, không xả rác thải ra môi trường sống, sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện.

Còn ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Bửu Long – Đồng Nai thì cho biết, cơ sở du lịch của ông đã hướng dẫn du khách phân loại rác ngay tại nguồn và có hướng xử lý riêng với từng loại rác thải, có quy trình xử lý rác thải thành phân bón phục vụ cho cây trồng ngay tại khuôn viên khu du lịch, tạo thành vòng khép kín đầu vào, đầu ra.

Được biết hiện nay, một số resort, khách sạn lớn tại Việt Nam đã hướng tới các hoạt động kinh doanh xanh như nói không với những thiết bị sử dụng điện, các loại hóa chất không cần thiết. Bên cạnh đó, các địa phương cũng bắt đầu phát triển những khu đô thị sạch gắn với đẹp, tạo ra khuôn viên hoa, cải tạo môi trường, áp dụng khoa học công nghệ vào hệ thống tưới để tiết kiệm nguồn nước.

Cân đối giữa phát triển và bảo tồn

Vấn đề cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn đặt ra với bất kỳ nước nào, đặc biệt là các nước đang phát triển, bởi nhu cầu ở những nước này về phát triển kinh tế luôn mạnh hơn nhu cầu bảo tồn. Vì vậy, theo Đại Sứ Phạm Sanh Châu, các tổ chức du lịch thế giới cũng như các tổ chức văn hóa như UNESCO đều khuyến cáo, trong quá trình phát triển, các nước cần lưu ý: bảo tồn môi trường, giá trị văn hóa, giá trị địa mạo, địa chất và bản sắc địa phương, tất cả những hoạt động kinh tế nào mà quên đi khía cạnh bảo tồn môi trường, bảo tồn văn hóa, vì lợi ích cộng đồng thì đó không phải là bài toán phát triển thành công.

Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới vật thể, 11 di sản phi vật thể, đứng thứ 8/175 nước sở hữu số lượng di sản phi vật thể nhiều nhất thế giới. Bên cạnh việc tôn vinh các di sản, Việt Nam cũng cần thực hiện các cam kết bảo tồn các giá trị nguyên gốc. Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, nếu có một dự án phát triển kinh tế ở khu vực xung quanh di sản UNESCO tôn vinh thì luôn phải tham khảo ý kiến UNESCO và được UNESCO đồng ý bằng văn bản. Nếu không được sự đồng ý, UNESCO sẽ khuyến cáo lần 1, lần 2...  Cứ mỗi 5 năm, UNESCO sẽ đánh giá lại một lần, nếu công tác bảo tồn không tốt thì UNESCO sẽ đề nghị rút danh hiệu di sản.