Nhỏ Bình thường Lớn

Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh là xu hướng tất yếu

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan trong “phát triển logistics xanh” gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh...

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Tọa đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025”.

Cơ hội tham gia các chuỗi giá trị mới

Thông tin tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan trong “phát triển logistics xanh” gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh...

Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch.

Tọa đàm phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Hồng Châu)

Khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI cho thấy, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên.

Quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải… Khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.

Từ yêu cầu đó, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm.

Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã xác định “phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững”.

“Chính vì vậy, trong thời gian tới, VCCI sẽ phối hợp với các cơ quan trong Ban chỉ đạo Chương trình để tiếp tục nâng cấp Bộ chỉ số trở nên đương đại và cập nhật hơn, hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp; cũng như làm việc với các Hội đồng tư vấn kinh doanh trong ASEAN để lan tỏa Bộ chỉ số phát triển bền vững vươn tầm quốc tế và đặc biệt sau khi đã tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của doanh nghiệp. VCCI sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để đưa Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) thành một trong những tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc", ông Vinh nhấn mạnh.

Theo ông, khi áp dụng Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp cần rà soát lại hoạt động phát triển bền vững của mình, tự tổng hợp thông tin theo hướng dẫn, từ đó có thể tự đánh giá tổng quát “sức khỏe” của mình, cũng như các tác động tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp, qua đó xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh, đồng thời làm tốt hơn công tác lập và báo cáo thông tin, giúp thu hút đầu tư hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Phó Chủ tịch VCCI đề xuất, Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ như có cơ chế ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…

Cơ hội song hành với áp lực

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, phát triển logistics xanh là áp lực lớn với các doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh với logistics sẽ bao gồm chuyển đổi năng lượng với các phương tiện, thay đổi phương thức vận tải.

Theo ông Hải, vận tải đường thủy nội địa là phương thức vận tải xanh có lợi thế lớn trong tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon.

"Ngoài ra, các biện pháp về quy trình làm việc, nâng cao hiệu suất của quá trình là yếu tố quan trọng trong phát triển logistics xanh. Quá trình giao nhận cần đơn giản, tối ưu hoá để mang lại hiệu quả. Cùng đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp thông qua việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính", ông Hải chia sẻ.

Tọa đàm phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025
Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam Lê Minh Đạo thông tin tại Tọa đàm. (Ảnh: Hồng Châu)

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam Lê Minh Đạo thông tin, chi phí vận tải thường chiếm khoảng 60-70% chi phí logistics tuỳ hệ thống vận tải. Trong đó, trách nhiệm trong việc duy trì hệ thống vận tải hiệu quả, xanh, thích ứng nhanh là trách nhiệm của ngành Giao thông vận tải, trong đó có cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp.

Cho rằng vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải xanh, ông Đạo cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển vận tải thủy khi có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Thế nhưng, hiện nước ta vẫn khai thác chưa hiệu quả hệ thống vận tải thuỷ.

Tại phía Nam, hiện vận tải thủy đã đáp ứng 40-70% vận tải hàng hoá, nhất là vận tải container kết nối TP. Hồ Chí Minh với khu vực Cái Mép. Còn tại phía Bắc, hiện chưa đến 2% sản lượng hàng container vận tải bằng đường thuỷ. Để phát triển vận tải xanh, ông Đạo đánh giá, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành.

Cũng tại Tọa đàm, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, xây dựng một ngành logistics bền vững, và có khả năng thích ứng nhanh là rất cấp bách và là xu hướng tất yếu.

Theo ông Hiệp, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.

"Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc. Phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (net zero) mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26", ông Hiệp nhấn mạnh.

Tọa đàm phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tiếp Chủ tịch FIATA Turgut Erkeskin. (Nguồn: VCC)

Cùng ngày, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có buổi tiếp ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) dẫn đầu đoàn đang có chuyến công tác tại Việt Nam.

Là tổ chức quốc tế đại diện cho các hiệp hội và doanh nghiệp logistics và giao nhận vận tải toàn cầu, ông Erkeskin cho biết, FIATA có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực ngành Logistics. Thế mạnh của tổ chức này là cung cấp các chương trình đào tạo và chứng nhận chuyên môn, giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp logistics và giao nhận vận tải tại Việt Nam. Các khóa đào tạo của FIATA giúp các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, Chủ tịch FIATA mong muốn tăng cường hợp tác với VCCI để thúc đẩy thương mại quốc tế hơn nữa. Với một mạng lưới toàn cầu các doanh nghiệp logistics và giao nhận, FIATA có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công kỳ vọng sự hợp tác với FIATA sẽ giúp khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng các công nghệ sáng tạo đóng góp vào logistics xanh, chẳng hạn như xe điện, nhiên liệu thay thế và phương pháp vận chuyển hiệu quả năng lượng.

Theo Chủ tịch, VCCI với vai trò là người đại diện cho 200.000 doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy cải cách chính sách. Bởi vậy, sự hợp tác giữa VCCI và FIATA sẽ đóng vai trò trụ cột cho sự phát triển của ngành logistics xanh và bền vững trên thế giới.

Tại Tọa đàm, ban tổ chức cũng công bố sự kiện FIATA World Congress 2025 (Đại hội Liên đoàn các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế - FWC 2025) diễn ra vào tháng 10/2025. Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ hàng nghìn doanh nghiệp logistics, chủ hàng trên khắp thế giới.

FWC 2025 là cơ hội để doanh nghiệp logistics và xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với hàng nghìn doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới. Đồng thời, đây là cơ hội khẳng định vị trí của ngành logistics Việt Nam nói riêng và quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

SK E&S và T&T Group hợp tác phát triển năng lượng xanh bền vững tại Quảng Trị

SK E&S và T&T Group hợp tác phát triển năng lượng xanh bền vững tại Quảng Trị

Công ty SK E&S (thuộc Tập đoàn SK - Hàn Quốc) đang tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái năng lượng bền ...

Nga: Căng thẳng Biển Đỏ ảnh hưởng lớn đến chuỗi logistics và các mối quan hệ thương mại

Nga: Căng thẳng Biển Đỏ ảnh hưởng lớn đến chuỗi logistics và các mối quan hệ thương mại

Ngày 1/2, Thứ trưởng phụ trách chính sách năng lượng của Nga Alexander Novak cho hay, nước này đang theo dõi sát sao tác động ...

Đưa Hải Phòng trở thành một 'thành phố xanh' dựa trên cơ sở nền 'kinh tế xanh, bền vững'

Đưa Hải Phòng trở thành một 'thành phố xanh' dựa trên cơ sở nền 'kinh tế xanh, bền vững'

Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, TP. Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc ...

Ngôi sao logistics ở châu Á

Ngôi sao logistics ở châu Á

Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên biến đổi mạnh mẽ, với sự hỗ trợ bởi các sáng kiến ...

Nhiều giải pháp 'xanh hoá' logistics sẽ được giới thiệu tại VILOG 2024

Nhiều giải pháp 'xanh hoá' logistics sẽ được giới thiệu tại VILOG 2024

Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) với chủ đề "Logistics xanh - Nền tảng phát triển bền vững" hướng đến giải ...